Khi bé đến tuổi tập ăn dặm, mẹ sẽ có nhiều sự lựa chọn cho bé: mua bột ăn dặm bán sẵn của các hãng uy tín hoặc tự tay chuẩn bị bột cho con yêu.
Nếu muốn tự tay chuẩn bị bột ăn dặm cho bé, mẹ cần nắm được những kiến thức cơ bản sau: - Cho bé ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột (gạo, khoai…) chất đạm (thịt, cá, trứng…) vitamin và khoáng chất (rau xanh, hoa quả…) chất béo (mỡ, dầu ăn…).
- Cho bé ăn những thức ăn phù hợp với lứa tuổi: Nếu bé mới tập ăn dặm, tốt nhất mẹ nên tránh một số thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao cho bé như: lạc, hải sản…khi chế biến món mới cho trẻ, mẹ cần cho bé ăn từng ít một, quan tâm đến phản ứng của trẻ như: da có bị nổi ban đỏ không, có nôn trớ không…để có thể dừng lại kịp thời và thay thế bằng những món khác.
- Cho bé ăn lượng thức ăn vừa phải: Khẩu phần ăn dặm của bé 6 tháng tuổi khác với khẩu phần ăn của bé 10 tháng tuổi, vì thế mẹ cần lưu ý cho bé ăn lượng thức ăn hợp lý để bé có thể dễ dàng hấp thu.
Mẹ sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn khi bé bước vào tuổi ăn dặm.
Khi chế biến bột ăn dặm cho trẻ, nhiều mẹ không cho rau vào bột, vì nghĩ chúng không quan trọng, điều này hoàn toàn sai lầm.
Rau, củ, quả rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, chúng cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, tiêu hóa tốt, phòng ngừa táo bón hiệu quả.
Vậy cho rau vào bột ăn dặm thế nào cho đúng cách?
Với những trẻ mới tập ăn dặm:
Bước 1: Mẹ xay nhuyễn thịt, cá, tôm…(chú ý xay thật nhuyễn, không còn lợn cợn để trẻ nuốt dễ dàng, tránh trường hợp trẻ bị trớ) sau đó hòa với bột, khuấy đều đến khi cả bột và thịt đều chín.
Bước 2: Cho tiếp rau, củ, quả được xay nhuyễn vào, khuấy đều cho rau chín, cho một chút dầu ăn, khuấy đều và tắt bếp.
Bước 3: Cho ra bát và thưởng thức.
Lưu ý: Khi cho rau vào, khuấy đều cho rau chín (khoảng 2 phút) không nên đun quá lâu khiến rau bị nồng, bé sẽ ăn không được ngon miệng và làm mất lượng vitamin có trong rau, củ.
Rau, củ, quả cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, tiêu hóa tốt,
phòng ngừa táo bón hiệu quả.
Với những trẻ đã có răng, có phản xạ nhai, nuốt:
Lúc này, có nhiều bé đã ăn cháo hạt vỡ hoặc cháo nguyên hạt. Để chế biến cháo ăn dặm cho trẻ, mẹ có thế làm theo các bước sau:
Bước 1: Nấu một nồi cháo trắng đặc. Sau đó cho vào hộp kín, để trong tủ lạnh, cho bé ăn trong ngày. Mỗi bữa bé ăn bằng nào thì mẹ lấy một lượng cháo bằng ấy ra để chế biến.
Bước 2: Đun lượng cháo vừa đủ một bữa ăn của trẻ trên bếp cho sôi đều (chú ý khuấy đều tay cho cháo không bị cháy). Cho nước vừa đủ để điều chỉnh độ đặc, loãng sao cho phù hợp, bé có thể ăn được.
Bước 3: Băm thật nhỏ thịt, rau. Sau đó cho thịt vào trước, khuấy đều đến khi chín mới cho rau vào, khi rau chín thì cho một muỗng cà phê giàu ăn, khuấy đều, tắt bếp và cho cháo ra bát.
Lưu ý: Với những trẻ đã có phản xạ nhai, nuốt, không nhất thiết phải xay nhuyễn tất cả các thực phẩm mà nên băm nhỏ để cho trẻ tập nhai. Khi băm thịt xong, tốt nhất mẹ nên hòa với một chút nước, khuấy đều để thịt tan ra rồi mới cho vào nồi cháo đang sôi, làm như vậy thịt sẽ không bị vón cục.
Minh Thúy - Dinhduong.com.vn