Cách ăn bổ sung hợp lý  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Cách ăn bổ sung hợp lý

Từ tháng thứ 6, ngoài sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung các loại thực phẩm khác như bột, cháo, cơm, rau, hoa quả, sữa đậu nành, sữa bò... Nên cho ăn từ lỏng đến đặc, ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới.
Để phát triển tốt, trẻ cần ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tất cả các loại thức ăn tươi, sạch, giàu dinh dưỡng mà người lớn ăn được hằng ngày đều có thể dùng cho trẻ (trừ rượu, bia và các loại gia vị chua, cay). Trẻ nhỏ không cần kiêng dầu, mỡ, rau xanh, cá, tôm, cua, trứng thịt... vì một lượng nhỏ các loại thức ăn này cũng giúp cho trẻ khỏe mạnh.
Trong 1 ngày, phải cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm sau:
- Nhóm cung cấp chất đạm: Thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc, vừng...
- Nhóm cung cấp tinh bột: Gạo, mì, ngô, khoai...
- Nhóm cung cấp chất béo: Dầu, mỡ, lạc, vừng...
- Nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng: Rau, quả, đặc biệt các loại rau màu xanh thẫm như rau ngót, rau dền, rau cải, mồng tơi... và các loại quả có màu đỏ, vàng như chuối, đu đủ, xoài...
Để trẻ thích ăn, có thể tô màu bát bột, làm cho nó có màu sắc của các loại thực phẩm. Chẳng hạn, có thể tạo màu xanh của rau (bằng rau muống, rau ngót, rau cải, rau dền...); tạo màu vàng của trứng, cà rốt, bí đỏ..., tạo màu nâu của thịt, cá, tôm, cua...

Số bữa trong một ngày
- 6 tháng: Bú mẹ là chính, thêm 1-2 bữa bột loãng và nước quả.
- 7-9 tháng: Bú mẹ, thêm 2-3 bữa bột đặc cộng nước quả hoặc hoa quả nghiền.
- 10-12 tháng: Bú mẹ, thêm 3-4 bữa bột đặc (hoặc cháo) và hoa quả nghiền.
- 13-24 tháng: Bú mẹ, thêm 4-5 bữa cháo và hoa quả.
- 25-36 tháng: Hai bữa cháo hoặc súp, thêm 2-3 bữa cơm nát cộng sữa bò hoặc sữa đậu nành cộng hoa quả.
- Từ 36 tháng trở đi: Cho trẻ ăn cơm như người lớn nhưng phải được ưu tiên thức ăn (thức ăn nấu riêng); nên cho ăn thêm 2 bữa phụ (cháo, phở, bún, súp, sữa...).
Trong một ngày, không nên cho trẻ ăn một món giống nhau. Muốn biết đã cho trẻ được ăn uống đúng và đầy đủ chưa, hãy theo dõi cân nặng của trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu trẻ lên cân đều đặn tương ứng với kênh A trên biểu đồ là trẻ đã được nuôi dưỡng tốt. Còn nếu trẻ không lên cân hoặt tụt cân (tức đường biểu diễn cân nặng nằm ngang hoặc đi xuống) thì có thể trẻ bị bệnh hoặc nuôi dưỡng không đúng.

Một số điều cần lưu ý khác:
- Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp khẩu vị của trẻ.
- Chế biến các thức ăn hỗn hợp giàu dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn sẵn có tại địa phương.
- Khi chế biến, đảm bảo thức ăn mềm dễ nhai và dễ nuốt.
- Tăng đậm độ năng lượng của thức ăn bổ sung: Có thể thêm dầu mỡ hoặc vừng, lạc (mè, đậu phộng), hoặc bổ sung bột men tiêu hóa làm cho bát bột vừa thơm vừa béo, mềm, dễ nuốt lại có nhiều năng lượng, giúp trẻ mau lớn.
- Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.
- Cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt.
- Cho trẻ ăn nhiều hơn trong và sau khi ốm, ăn uống nhiều chất lỏng hơn khi tiêu chảy và sốt cao.
- Không nên cho trẻ ăn mì chính vì không có chất dinh dưỡng lại không có lợi.
- Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt sẽ gây ức chế tiết dịch vị, làm cho trẻ chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn ít.
PGS Nguyễn Công Khẩn
Sức Khoẻ & Đời Sống
Nguồn: http://vietbao.vn/
Cập nhật: 20/10/2016
Lượt xem: 10247
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™