Axit béo cần thiết (essential fatty acids – EFAs) giúp xây dựng các tế bào, duy trì hoạt động của hệ thần kinh trung ương, làm khỏe tim và các mạch máu, tăng miễn dịch và giúp cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng. EFAs cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thị giác và bộ não của bé.
Có 2 loại EFAs: Đó là Omega-6 (axit linoleic) và Omega-3 (axit alpha-linolenic).
Cơ chế hoạt động của các axit béo cần thiết
Cơ thể sử dụng các chất béo chuỗi ngắn để tạo nên các axit béo chuỗi dài, giúp cơ thể khỏe mạnh theo nhiều cách, tùy mục đích của chúng.
Một trong những axit béo chuỗi dài mà cơ thể sản xuất từ axit alpha-linolenic là DHA (docosahexaenoic acid), rất cần thiết cho não và mắt của bé. Điều này giải thích tại sao sữa bột dành cho các bé nhũ nhi đều có chứa DHA và đó cũng là lý do phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh được khuyên nên tăng cường DHA trong chế độ ăn của họ, qua thực phẩm và cả viên bổ sung.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất DHA của cơ thể bé, gồm lượng chất béo Omega-6, chất béo bão hòa và chất béo trans (trans fats) trong chế độ ăn. Mất cân bằng chất béo Omega-6 và Omega-3 có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ miễn dịch và phản ứng kháng viêm của cơ thể. Điều này nghĩa là bé dễ mắc bệnh như bệnh tim mạch và tiểu đường.
EPA (eicosapentaenoic acid) là một axit béo chuỗi dài mà bé hấp thu qua sữa mẹ. Giống DHA, chất này còn có trong các loại cá chứa dầu.
Lượng EFAs cho bé
- Bé 1-3 tuổi: 7000mg Omega-6 và 700mg Omega-3 mỗi ngày.
- Bé 4-8 tuổi: 10.000mg Omega-6 và 900mg Omega-3 mỗi ngày.
Omega-6 và Omega3 có mặt trong nhiều loại thực phẩm.
Nguồn dồi dào EFAs
Thực phẩm nhiều Omega-3:
- 30g đậu phụ: 300mg Omega-3.
- ½ bát đậu nành nấu chín: 500mg Omega-3.
- 1 thìa dầu hạt lanh: 1.500mg Omega-3.
- 1 thìa bơ lạc bổ sung Omage-3: 4.500mg Omega-3.
Ngoài ra, Omega-3 còn có trong sữa, sữa chua, nước cam ép và trứng. Omega-3 cũng có thể hiện diện trong nhiều loại thức ăn chế biến sẵn; do đó, bạn nên đọc kỹ nhãn hiệu trước khi cho bé ăn món gì.
Nguồn dồi dào Omega-6: Nhìn chung, Omega-6 có trong nhiều loại thực phẩm hơn Omega-3. Chẳng hạn, trong dầu đậu nành, hạt hướng dương, dầu ngô...
- 1 thìa dầu hạt hướng dương: 2.900mg Omega-6.
- 1 thìa dầu ngô: 2.400mg Omega-6.
- 1 thìa dầu cây rum: 3.300mg Omega-6.
- 1 thìa dầu đậu nành: 2600mg Omega-6.
Để bé đủ DHA và EPA
Cơ thể bé dùng Omega-3 để tạo ra DHA và EPA. Các chuyên gia đề nghị, bé 1-3 tuổi cần 70mg DHA và EPA mỗi ngày; bé 4-8 tuổi cần 90mg DHA và EPA mỗi ngày. Nên khuyến khích bé ăn các thực phẩm giàu DHA hàng tuần, chẳng hạn:
- 30g cá hồi nấu chín: 400mg DHA.
- 30g cá thu đóng hộp: 226mg DHA.
- 30g cá sardines: 282mg DHA.
Ngoài ra, DHA còn có trong sữa, trứng, bánh... có bổ sung DHA.
Khi bé nhận quá nhiều EFAs
Quá nhiều EFAs sẽ dẫn tới mất cân bằng. Cách tốt nhất để cân bằng các axit béo cho dinh dưỡng của bé là chọn thực phẩm giàu Omega-3, tránh chất béo bão hòa và chất béo trans.
Trans fats có mặt trong nhiều đồ ăn chiên rán, bánh kẹo, pizza, bơ thực vật... Trans fats làm tăng LDL (cholesterol xấu) và giảm HDL (cholesterol tốt). Vì thế, nó làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, tiẻu đường.
Chất béo bã hòa có trong các thực phẩm từ động vật như thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa như kem, bơ, pho mát... Chúng cũng được tìm thấy trong đồ ăn nướng, chiên rán và một số thực phẩm từ thực vật như tinh dầu cọ, tinh dầu dừa...
Theo Pháp luật xã hội