Bệnh tiêu chảy có thể giết chết trẻ em do làm mất quá nhiều nước của cơ thể. Điều chú ý là cho trẻ bị tiêu chảy uống nhiều nước. Ngoài ra khi bị tiêu chảy, trẻ thường kém ăn và chất dinh dưỡng thường mất nhiều qua phân. Do vậy, nếu không chú ý đến chế độ ăn thích hợp, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng và làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn.
Ở nước ta, trẻ bị tiêu chảy rất nhiều, do bú chai, cai sữa sớm, do điều kiện khí hậu nóng ẩm, vệ sinh cá nhân và môi trường kém, thức ăn dễ bị ôi thiu. Nhiều bà mẹ cố ép con ăn bột sớm ngay từ tháng thứ hai sau khi sinh hoặc nghĩ sai lầm rằng nếu trẻ sớm nhận được chất gạo vào người thì cơ thể trẻ sẽ cứng cáp. Nhưng do cơ thể không tiêu hóa được chất bột sớm, điều kiện nấu nướng không hợp vệ sinh dẫn đến trẻ bị tiêu chảy.
Hiện nay, một số bà mẹ vẫn còn có quan niệm sai là ngừng cho trẻ bú, nhịn ăn và uống khi trẻ bị tiêu chảy vì lo sợ nếu cho trẻ bú, ăn, uống vào thì sẽ bị tiêu chảy nhiều hơn hoặc nếu có cho ăn thì chỉ cho ăn cháo muối, cháo đường kéo dài. Sự kiêng khem này càng làm cho trẻ chóng kiệt sức, bệnh tiêu chảy nặng hơn và khi đưa trẻ đến cơ sở y tế thường ở trong tình trạng rất nặng, khó cứu chữa.
Vì vậy, khi trẻ bị ỉa chảy, các bà mẹ nên cho trẻ uống dung dịch Oresol, hoặc các dung dịch sẵn có ở nhà như nước cháo muối, nước gạo rang, nước dừa non….Trẻ càng ỉa chảy nhiều càng phải uống nhiều. Và điều không được quên là tiếp tục cho trẻ bú, bú nhiều lần hơn bình thường. Ở trẻ đã cai sữa, nên cho trẻ ăn làm nhiều bữa nhỏ và chú ý động viên, dỗ dành cho trẻ ăn. Chế độ ăn bình thường với các loại thức ăn chủ yếu dưới dạng mềm được nghiền kỹ và ninh nhừ. Dùng các loại lương thực, thực phẩm sẵn có ở địa phương. Nếu có thể, làm tăng năng lượng trong bữa ăn bằng cách cho thêm dầu mỡ, đậu đỗ, trứng, thịt …Tránh các loại nước uống có nồng độ đường cao như nước giải khát công nghiệp, hoặc quá mặn như các loại súp sản xuất kiểu công nghiệp đóng sẵn.
Các bà mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị nếu thấy trẻ có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:
- Không chịu ăn và nôn nhiều, ỉa phân nước nhiều lần.
- Mắt trũng, khóc không có nước mắt.
- Sốt cao
- Có máu trong phân.
Có thể phòng ngừa được bệnh tiêu chảy bằng cách cho con bú mẹ, không cho trẻ bú chai, không cho trẻ ăn cơm quá sớm, rửa tay trước khi ăn, thức ăn phải được nấu chín (nếu để quá 2 giờ thì phải đun lại). Gia đình cần có hố xí sạch, không có ruồi nhặng, giữ gìn thức ăn và nước uống sạch sẽ, tiêm phòng cho trẻ là những biện pháp phòng chống tiêu chảy có hiệu quả.