Quả thực nếu thêm một ít muối vào bột, cháo cho trẻ dưới 1 tuổi, có thể con bạn sẽ ăn ngon hơn. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh, lượng muối có sẵn trong thực phẩm, gạo, sữa đã quá đủ cho trẻ. Ăn thừa muối sẽ tăng nguy cơ còi xương, hại thân...
Dưới đây là những khuyến cáo về cách chế biến bột, cháo cho trẻ dưới 1 tuổi của PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh – BV Đa khoa Medlatec – Nguyên Trưởng khoa Vi Chất Dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Muối có sẵn trong gạo, sữa, rau, củ… là quá đủ
Thực chất, ở bất cứ độ tuổi nào, con người cũng cần một lượng muối nhất định. Trẻ nhỏ cũng cần hàm lượng muối nhưng muối ở các thực phẩm tự nhiên đã đủ cho bé, bé không cần muối ở gia vị.
Muối có công thức là NaCl, khi vào cơ thể tách ra thành Na và Cl. Cơ thể cần muối tức là cần Natri. Mà Natri không chỉ có trong những thức ăn có vị mặn như muối tinh, nước mắm, bột canh mà trong những thực phẩm tưởng rằng rất nhạt như gạo, ngô, sữa, thịt… đã có một hàm lượng Natri nhất định rồi.
Sữa có khoảng 240mg Natri/l, một bát bột cho trẻ có khoảng 75mg Natri…Trong khi đó nhu cầu Natri của trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần khoảng 200mg/ngày nên trẻ chỉ dùng thực phẩm thông thường, không nêm thêm muối thì cũng đã đủ hoặc thừa Natri.
Trong gạo, sữa, hoa quả, rau củ luôn có sẵn lượng Natri đủ cho trẻ.
Các mẹ không cần phải thêm mắm, muối vào cháo bột cho trẻ dưới 1 tuổi
Thừa muối dễ còi xương, hại thận
Ở trẻ dưới 1 tuổi, cơ thể có thể tự xử lý lượng Natri thừa trong thực phẩm tự nhiên nhưng nếu bạn bù thêm muối cho bé sẽ khiến cơ thể trẻ thêm gánh nặng, đặc biệt là thận.
Khi dư thừa Natri, trẻ biếng ăn và mệt mỏi nhiều hơn vì làm mất cân bằng nước trong cơ thể. Lượng Natri dư thừa còn làm tăng nguy cơ đào thải canxi ra ngoài theo nước tiểu khiến bé có nguy cơ thiếu canxi, không thuận lợi cho quá trình phát triển chiều cao của bé.
Quả thực nếu bỗng dưng bạn nêm thêm tí muối vào bột, có thể con bạn sẽ ăn ngon hơn vì vị lạ hơn. Nhưng để trị biếng ăn mà con bạn phải chịu gánh nặng vì thừa muối thì không đáng.
Thứ nhất trẻ sẽ tăng nguy cơ bị còi xương, suy thận và biếng ăn về sau.
Thứ hai vị giác của trẻ rất nhạy, nếu bạn cho bé ăn thêm muối từ sớm thì lớn hơn chút nữa trẻ có nguy cơ ăn mặn hơn bình thường, mà ăn mặn sẽ làm tăng huyết áp, ung thư, suy thận…
Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh - BV Đa khoa Medlatec,
thừa muối sẽ khiến trẻ tăng nguy cơ còi xương, mắc các chứng bệnh thận
Nấu bột, cháo thế nào cho đúng?
Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi, khi bắt đầu ăn dặm, dầu ăn hoặc mỡ động vật là gia vị duy nhất cần phải cho vào đồ ăn. Chúng thuộc nhóm chất béo - là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt. Thiếu chúng, trẻ sẽ khó hấp thu các vitamin.
Khi ăn dặm, thức ăn chính của bé trong giai đoạn ăn dặm vẫn là sữa. Do đó, các mẹ nên tiếp tục cho con bú hoặc uống sữa và ăn thêm 2 bữa bột (hoặc cháo xay), trong đó có một bữa bột sữa, một bữa bột thịt hoặc bột trứng.
Ở các tháng sau, bên cạnh duy trì lượng sữa 700-900 ml/ngày, trẻ có thể tăng lên 3 bữa/ngày, mỗi lần khoảng một bát ăn cơm.
Khi nấu bột hoặc cháo, không nên ăn cùng một món trong ngày tránh gây chán ăn. Bạn nên thay đổi linh hoạt giữa các bữa.
Thành phần chỉ được bao gồm tinh bột (bột/cháo), chất đạm (thịt/cá/cua/tôm/trứng), chất khoáng (rau xanh xay nhuyễn) và chất béo (dầu/mỡ), không cho gia vị khác.
Khi trẻ ngoài một tuổi, bạn mới nên cho một chút nước mắm (một đến hai giọt trong một bát).
Ngoài ra, bạn tập cho bé ăn hoa quả tươi khi trẻ bắt đầu biết ăn dặm như nạo chuối tiêu, uống nước cam, xoài xay…
Thanh Loan (ghi)
Báo sức khỏe đời sống