Tầm quan trọng của sữa non  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Gần đây chúng ta nghe nhiều thông tin cho rằng phương pháp vắt trữ sữa non trước khi sinh, để dự phòng là không an toàn và không nên khuyến khích, vì phương pháp này dễ kích thích gây chuyển dạ và sinh non.  


Bài viết này sẽ cung cấp cơ sở để vấn đề được nhìn nhận đầy đủ trên cơ sở khoa học, loại bỏ các ngộ nhận về mức độ an toàn và khả năng áp dụng phổ biến của phương pháp này, để gia tăng tỉ lệ nuôi con sữa mẹ hoàn toàn, theo khuyến nghị của WHO, UNICEF và Các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (UN).


Nhiều giống loài có vú vẫn tồn tại và phát triển nhờ bản năng nuôi con bú mẹ hoàn toàn, và 
tiếp tục cho con lớn hơn bú trong lần mang thai sau là một phần trong bản năng sinh tồn đó.  Việc cho bé lớn tiếp tục bú mẹ (về mặc lịch sữ, trước khi có phát minh các phương pháp kế hoạch hoá gia đình, các loại que thử thai và các phương pháp siêu âm, bà mẹ không biết mình có thai hoặc không biết tuổi thai và nếu bé lớn hơn chưa cai sữa hoặc chưa đến tuổi cai sữa, những bé lớn tiếp tục được bú mẹ cho đến khi mẹ sinh và tiếp tục sau đó, mà không có rủi ro gì cho cả bé lớn, bé nhỏ hay cho bà mẹ, khi bà mẹ ăn uống hợp lý theo nhu cầu.


Ngoài ra, theo các nghiên cứu cập nhật nhất, việc thu trữ sữa non trong thai kỳ chỉ là một mô phỏng rất nhỏ của việc cho bé lớn tiếp tục bú trong thai kỳ, mà việc này đã được chứng minh là an toàn, về mặt lịch sử của nhân loại và về cơ sở khoa học, và là một phương pháp được đề nghị để dự phòng trong các trường hợp phải cách ly và bé sơ sinh có thể bú trực tiếp sữa non của mẹ sau khi sinh.


A - CHO BÉ LỚN TIẾP TỤC BÚ KHI MANG THAI VÀ TIẾP TỤC SAU KHI SINH


Theo BS Bronwyn Warner, cố vấn của Hiệp hội Nuôi con Sữa mẹ Úc - ABA, tiếp tục cho con bú trong thai kỳ, trừ những trường hợp bà mẹ có vấn đề bất thường về thể chất hay tử cung, là việc làm cần thiết và hoàn toàn là quyết định của người mẹ.


"Bạn không biết có thể nên tiếp tục cho bé lớn bú khi mới cấn thai và tiếp tục sau đó nữa hay không. Có lẽ có người khuyên bạn phải cai sữa cho bé lớn đi. Hoặc cũng có thể bạn đã biết có người cho con bú suốt khi mang thai và tự hỏi như thế nào là đúng.


Mang thai lần sau là thời gian đặc biệt. Bạn có thể cảm thấy tự tin hơn trong vai trò làm mẹ. Cơ thể của bạn đã trải qua trọn vẹn chu kỳ sinh con và tiếp tục nuôi dưỡng em bé, hoàn thành vai trò sinh sản tự nhiên. Bạn cũng có thể là sợ hãi - làm thế nào bạn có thể yêu một đứa trẻ khác nữa khi bạn đang rất yêu bé đầu tiên? Hoặc có lẽ bạn đang lo lắng về nhu cầu vật chất của việc có thai và sau đó là việc chăm sóc cả hai bé. Hiệp hội Nuôi con Sữa mẹ Úc sử dụng thuật ngữ 'nuôi song song' để mô tả cho con bú cùng một lúc cả bé lớn và bé nhỏ, mà không phải là anh em sinh đôi. Những đứa trẻ có thể bú cùng lúc hoặc lúc bé này bú lúc bé khác bú.

Ảnh: Bé lớn tiếp tục bú mẹ trong suốt thai kỳ của bé sau (nguồn: internet)


Khi em bé lớn hơn phát triển vào tuổi chập chững và sau đó nữa, sữa của bạn luôn luôn là bổ dưỡng và là thức ăn trẻ em của bạn tốt nhất. Ngay cả khi bé không còn bú mẹ nhiều cữ nữa, bé cũng nhận được lợi ích miễn dịch quý giá. Đôi khi mẹ, và con, thích cai sữa dần dần trong quá trình mang thai, tuy nhiên nhiều bà mẹ vẫn muốn tiếp tục, đặc biệt là nếu em bé lớn vẫn còn quá nhỏ hoặc lần mang thai sau "vỡ kế hoạch". Tiếp tục cho con bú cũng có nghĩa là có thêm thời gian để nghỉ ngơi trong ngày, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên.


Cơ thể của mỗi phụ nữ cũng có khác nhau.  Có người có thể thụ thai ngay cả khi họ đang cho con bú. Một vài người cơ thể kích hoạt rụng trứng ngay khi con bú bổ sung ngoài bú mẹ trực tiếp hoặc bắt đầu ăn dặm.  Một số người khác chỉ cần cách cữ bú mẹ hơn 4 giờ hoặc em bé ngủ qua đêm, cũng bắt đầu rụng trứng trở lại."


1- Đứa bé trong bụng có bị ảnh hưởng gì chăng?


Bạn có thể lo ngại về sự sống của thai nhi, nếu mẹ tiếp tục cho bé lớn bú.  Đối với một thai kỳ khỏe mạnh bình thường, không có tiền sử sẩy thai hoặc doạ sinh non trước 20 tuần đầu, không có bằng chứng cho thấy con bé lớn bú mẹ gây tổn hại cho thai nhi. Nếu bạn bị sẩy thai, thì không phải là vì việc bạn tiếp tục cho bé lớn bú đâu!


Đôi khi bạn có thể tưởng rằng cho bé lớn bú, lấy mất chất cần cho sự ptr tốt của thai nhi. Thực tế là thai nhi luôn được ưu tiên về mọi dưỡng chất cần thiết, và thậm có thể khỏe mạnh hơn bình thường, vì bạn có ý thức về dinh dưỡng và chăm sóc bản thân tốt hơn trong thời gian mang thai này. Những lo lắng có thể là trẻ sơ sinh của bạn có thể bị bé lớn "tước mất" sữa non. Một số bà mẹ cố ý cho bé lớn bú riêng một bên vú khi cuối thai kỳ, nhưng sữa non luôn xuất hiện trở lại một cách tự động khi gần sinh mà không cần bà mẹ phải cố ý làm bất cứ điều gì.


Cơ thể của bạn có thể bắt đầu tạo sữa non trong thời kỳ mang thai theo cách riêng, hoặc xảy ra nếu bé lớn đã ngừng bú một thời gian. Mùi vị của sữa non có thể khiến bé tự muốn cai sữa, ít nhất là tạm thời, vì nó là mặn hơn sữa già. Có bé vẫn tiếp tục bú mẹ bình thường và không phiền vì sự thay đổi mùi này. Hãy nhớ rằng sữa non là thuốc nhuận tràng tự nhiên (để giúp trẻ sơ sinh thải phân su), do đó phân của bé lớn bú sữa non này có thể trở nên lỏng hơn nhiều. Hình thức phân thay đổi như thế không phải là bệnh và không có hại cho bé cả.


Như bạn thường được khuyên nên điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn để cho phép nhu cầu dinh dưỡng bổ sung trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú, rõ ràng, điều quan trọng là làm như vậy trong khi làm cả hai. Có rất ít nghiên cứu về các yêu cầu của một người mẹ cho con bú song song, nhưng chúng tôi hiểu rằng cơ thể chúng ta có thể điều chỉnh sự trao đổi chất vì vậy chúng tôi không cần phải tiêu thụ một lượng lớn thêm vitamin và khoáng chất - tập sách Hiệp hội NCSM Úc Chăm sóc Bản thân có hướng dẫn cách dinh dưỡng ăn lành mạnh. 


2- Tôi sẽ cảm thấy như thế nào?


Có tác dụng phụ có thể khác nhau khi cho bé lớn hơn bú trong thai kỳ. Một số bà mẹ chia sẻ họ ốm nghén nặng hơn, có thể là do tăng nội tiết tố trong cơ thể, đói, khát hoặc mệt mỏi, trong số biểu hiện khác. Bạn có thể bị đau ở núm vú, là kết quả của thay đổi nội tiết tố khi mang thai, mà đối với một số bà mẹ có thể đau không chịu được. Cảm giác đau này có thể kéo dài suốt quý đầu hoặc lâu hơn, mà cũng có người không bị đau gì cả. Chú ý tư thế bú và khớp ngậm có thể làm giảm sự khó chịu - bạn có thể chọn tư thế bú nằm. Các bà mẹ khác, bất chấp trải nghiệm đau đớn, bởi vì lợi ích của việc con được tiếp tục bú mẹ vượt quá nổi đau. Hầu hết các bà mẹ đê ý thấy rằng hiện tượng đau núm vú này hoàn toàn biến mất khi sinh. Một số bà mẹ báo cáo rằng việc đầu ti bị mềm trong thai kỳ là có ích vì giúp giảm thiểu các vấn đề tổn thương đầu ti sau khi sinh.


3- Con tôi sẽ cảm thấy như thế nào?


Trong khi bạn có thể cảm thấy tích cực về nuôi hai đứa con - đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và tình cảm của cả hai - Bé lớn sẽ cảm thấy như thế nào? Nhiều bé lớn có sự gắn bó anh chị đặc biệt với em bé, vì cả hai đều chia sẻ một điều rất đặc biệt và quan trọng. Việc cả hai cùng bú mẹ có thể giúp giảm bớt bất kỳ cảm giác ghen tị và hờn giận, vì bé không bị bỏ rơi. Quan trọng hơn nữa là, bé vẫn có thể có được điều quan trọng nhất với bé - đc bú mẹ.


4- Nguồn sữa của tôi có bị ảnh hưởng không?


Nếu em bé của bạn đang được chín tháng tuổi, bạn ăn một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh và cho con bú theo nhu cầu, bạn có thể thấy nguồn sữa của mình luôn được duy trì. Sữa mẹ vẫn là một phần chính trong chế độ dinh dưỡng của bé. Nếu bạn cảm thấy bé không có đủ sữa mẹ, bạn có thể gặp bác sĩ. Một số bà mẹ thấy nguồn sữa của mình bị giảm vì tác động của các hocmon trong thai kỳ.


5- Có nên quyết định cai sữa hay không?


Nếu bạn chọn để cai sữa em bé của bạn dưới 12 tháng tuổi, bạn nên gặp cố vấn y tế về sự thay thế thích hợp. Một em bé lớn có thể uống các chất lỏng khác bằng cốc, tránh phải bú bình. Nếu con của bạn là đủ lớn, bạn có thể giải thích rằng bạn đang cảm thấy bị bệnh hoặc núm vú của bạn bị sưng. Bạn có thể kéo giãn các cữ bú, hoặc con của bạn có thể bú cữ ngắn hơn. Xem tài liệu Cai Sữa của ABA.


Nếu con hoặc con bạn lựa chọn để cai sữa khi mang thai, thường bạn có thế cảm thấy tội lỗi - 'Tôi đã cai sữa con quá nhanh này?' hoặc đau buồn khi đã cai sữa hẳn. Việc này có thể  tập trung vào các em bé mới và các mối quan hệ với bé. Một số bà mẹ cho biết bé đã cai sữa lại có thể quay lại bú mẹ sau khi mẹ sinh em.


Bé có thể chưa sẳn sàng để cai sữa, không phải lo lắng đâu. Bạn cứ theo sức của mình mà liệu.  Có thể thử cai sữa dần hoăc bú ngắn hơn, hoặc có thể không cai gì cả.


6- Lý do "nuôi song song"?


Bạn có thể đã đọc ở đâu đó hoặc nghe nói "người mẹ cho trẻ lớn hơn bú chỉ vì lợi ích riêng của bà mẹ." Tất nhiên, điều này là không đúng sự thật (ngoại trừ có lẽ trong một ý nghĩa tinh thần và sức khỏe). Nuôi con song song và cho bé lớn hơn bú là một trải nghiệm tuyệt vời. Ít có hình ảnh nào khiến bạn thoải mãn hơn là thấy các con mình nắm tay nhau trong khi cùng bú mẹ với nhau. Tập sách của Hiệp hội NCSM Úc "Cho con bú khi Mang thai và sau đó" và sách "Cho bé tuổi chập chững bú mẹ" của Norma Jane Bumgarner là những nguồn thông tin tốt, giúp động viên và hỗ trợ cho bạn.

Ảnh Mẹ Minh Nga (Quản lý Hội Sữa Mẹ Betibuti) và Bé Xôi, Bé Mốc đang được "nuôi song song".
Bé Mốc được tiếp tục bú mẹ trong suốt thai kỳ của em, và cả ba mẹ con khoẻ mạnh. (Nguồn: Hội Sữa Mẹ Betibuti)


7- Có thiết thực không?


Bạn có thể cho cả hai bé bú cùng một lúc, hoặc một bé bú trước một bé bú sau, hoặc vào những thời điểm hoàn toàn khác nhau. Bạn có thể thấy rằng bé lớn muốn bú liên tục, đặc biệt là khi sữa của bạn về, và bạn có một nguồn sữa dồi dào. Bạn có thể được hạnh phúc để đáp ứng nhu cầu này, ít nhất là lúc đầu, trong khi các bà mẹ khác có thể muốn hạn chế số cữ bú của bé lớn hơn. Chỉ có bạn mới có thể quyết định bạn nên thế nào. Bạn có thể thử cho bú ngồi, có gối đỡ, hoặc bú nằm. Có rất nhiều tư thế để "nuôi song song".


Bởi vì bạn đang sản xuất sữa nhiều hơn người mẹ cho bú chỉ 1 bé, bạn có thể thấy bé nhỏ gặp trở ngại vì phản xạ xuống sữa của bạn. Bạn có thể thay đổi cách cho bú. Có lẽ bạn cho bé lớn bú và kích thích suống sữa, sau đó mới cho bé nhỏ bú bên đó. Tập sách của ABA "Cho con bú khi Mang thai và tiếp sau đó" có nhiều gợi ý giúp hỗ trợ cho "nuôi song song", cũng như nhiều cân nhắc khác không được đề cập trong bài viết này.Chúng tôi đề nghị bạn gặp cố vấn y tế của bạn về cho con bú mang thai và sau đó. Hiệp hội cho con bú Úc đã đào tạo nhân viên tư vấn có thể cung cấp thông tin và hỗ trợ bạn trong quyết định của bạn.


B- THU TRỮ SỮA NON TRƯỚC KHI SINH


1- Giải toả ngộ nhận về nguy cơ sinh son khi kích thích đầu ti trước 37 tuần


Như chúng tôi đã nêu ở phần trên, phương pháp thu/ vắt trữ sữa non trước khi sinh chỉ là một mô phỏng nhỏ của việc cho con bú trong thai kỳ, với cách massage và vắt tay nhẹ nhàng theo công thức 3 lần x 5 phút hoặc 5 lần x 3 phút mỗi ngày, và nghỉ ngay khi có cơn co (cơn co như thế không đủ mạnh để gây chuyển dạ, tuy nhiên nên ngưng để tránh lo lắng không cần thiết.)


Theo BS. Sue Cox, Chuyên Gia Tư vấn Sữa Mẹ Quốc tế hàng đầu, Giáo viên của Chứng chỉ Chuyên gia Tư Vấn Sữa Mẹ Quốc tế (Viện Sữa Mẹ Quốc tế), Thành viên Hiệp Hội Nuôi Con Sữa Mẹ Úc (ABA), có sự NGỘ NHẬN rằng khi phụ nữ mang thai kích thích đầu ti để vắt sữa non sẽ dẫn đến sinh non (trong ngành y trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam) và 2010 bà lại là người đưa ra những bài thẩm định và các cơ sở khoa học để giúp giải toả ngộ nhận này cho các bà mẹ yên tâm cho bé lớn hơn tiếp tục bú khi mang thai lần sau (cũng an toàn cho việc chăm sóc bầu vú mẹ trong thai kỳ và vắt tay/ thu trữ sữa non trước tuần 37.)


Việc kích thích đầu ti - hoặc các hoạt động khác có thể sinh ra hocmon oxytocin như ăn các thức ăn cho phenyethylamines như sô-cô-la, hôn, quan hệ tình dục - sẽ chỉ dẫn đến chuyển dạ nếu niêm mạc tử cung có đủ CÁC ĐIỂM TIẾP NHẬN hocmon oxytocin.  Báo cáo thẩm định của BS Cox (2006) thẩm định những kết quả nghiên cứu trước của Di Lieto 1989, Stein 1990, Curtis 1999, trong đó những phụ nữ mang thai có sơ phút kích thích đầu ti khác nhau (từ 30 đến 110 phút).  Không có kết quả nghiên cứu nào cho thấy có tác động rõ rệt trong chỉ số Bishop (dấu hiệu chuyển dạ) hay dẫn đến chuyển dạ.  Báo cáo thẩm định của BS Cox (2006) cũng thẩm định một nghiên cứu khác của Moscone và Moore (1993) trên 57 bà mẹ tiếp tục cho bé lớn bú, khi mang thai bé sau. Những em bé sau của những bà mẹ này đều khoẻ mạnh và được sinh ra đủ tuần.


2- Hiểu về tử cung và sự nhạy cảm của tử cung trong thai kỳ:


Hocmon Oxytocin được biết đến là hocmon sinh ra từ việc kích thích đầu ti (massage, cho con bú, vắt sữa.. cần thiết để cơ thể mẹ tiết sữa) và một số hoạt động khác như nêu trên, một số người nhạy cảm hơn thậm chí có thể có lượng hocmon oxytocin tăng lên trong máu chỉ cần nghĩ đến các hoạt động/ kinh nghiệm trên.  Hocmon Oxytocin cũng là hocmon gây co thắt tử cung, giúp mẹ chuyển dạ để sinh bé.  


Do đó, nếu chỉ dừng ở kiến thức này, kể cả một số người ngành y nhưng không cập nhật kiến thức mới sau 2006), người ta dễ dàng kết luận sai lệch và dẫn đến ngộ nhận rằng chỉ cần có hocmon oxytocin thì sẽ có chuyển dạ, và LẦM TƯỞNG rằng các hành động như massage chăm sóc bầu vú mẹ, quan hệ abcxyz, cho bé lớn bú, vắt sữa trong thai kỳ là các hoạt động "đầy rủi ro" và "không nên". 


Tuy nhiên, MỘT KIẾN THỨC QUAN TRỌNG không thể bỏ qua khi bàn chuyện bầu bì sinh đẻ là HIỂU VỀ TỬ CUNG. Tử cung không phải là một cái túi lúc nào cũng chực co thắt để gây sinh non trong suốt 38 tuần thai kỳ. Trong 38 tuần đầu của thai kỳ, ngay cả một lượng lớn hocmon 
Aoxytocin, hay pitocin (hocmon oxytocin nhân tạo) cũng không gây chuyển dạ và sinh non.


Thay vì vậy, tử cung cũng phải được phát triển và chuẩn bị trước cho việc chuyển dạ. Có thể hiểu có hai giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển của tử cung trong thai kỳ: giai đoạn "tỉnh" giữ bé trong bào thai và giai đoạn "động"đưa bé ra ngoài.  Hai giai đoạn này (tạm gọi là "giai đoạn 1" và "giai đoạn 2") khác hẳn nhau về cách tử cung phản ứng với lượng hocmon trong máu.  


Trong "giai đoạn 1" (trước 37 tuần), khi bào thai đang lớn dần, tử cung "trơ"đối với hocmon oxytocin, có nghĩa là có thể massage bầu vú đầu ti, quan hệ tình dục, cho con bé lớn hơn bú, vắt sữa mà không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bào thai và cũng không gây co thắt tử cung hay sinh non chỉ vì các hoạt động có liên quan đến lượng hocmon oxytocin trong máu.


Ví dụ, các trường hợp bà mẹ cho bé lớn bú khi mang thai bé nhỏ không cảm nhận cơn co thắt nào khi cho con bú (93% theo kết quả mẹ cho con bú trong thai kỳ của Moscona). Đặc biệt là ngay 3% có cảm giác các cơn co thắt cũng không dẫn đến chuyển dạ hay ảnh hưởng đến thai kỳ, giống như các cơn co thắt giả Braxton-Hicks.


Trong "giai đoạn 2", đến kỳ sinh nở (khoảng từ tuần 38), tử cung nhanh chóng thay đổi để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, và tử cung trở nên "rất nhạy cảm" với hocmon oxytocin.

Ảnh minh hoạ: tử cung và độ nhạy cảm do gia tăng số điểm tiếp nhận hocmon oxytocin khi thai đủ tuần


Khả năng "trơ" hay "nhạy cảm" của tử cung đối với hocmon oxytocin là do trong giai đoạn đầu tử cung có ít điểm tiếp nhận, nhưng trong giai đoạn đủ tuần thai lại có rất nhiều nhiều "các điểm tiếp nhận hocmon oxytocin".  


Các điểm tiếp nhận hocmon oxytocin là các tế bào của tử cung có thể phát hiện ra sự hiện diện của hocmon oxytocin và kích hoạt những cơn co tử cung.  Trước 37 - 38 tuần số lượng các tế bào này ít và rải rác khiến tử cung "trơ" trước hocmon này.  Từ tuần 38, số tế bào này tăng nhanh dần và đến khi sinh đạt đến 300 LẦN số lượng "điểm tiếp nhận hocmon oxytocin" ngay SAU khi chuyển dạ để sinh bé. Trong những tuần cuối thai kỳ, hocmon oestrogen tăng lên cao nhất, đây là hocmon cần thiết để thúc đẩy sự gia tăng các "điểm tiếp nhận oxytocin", và vì thế các điểm tiếp nhận này chỉ trở nên dày đặc và đủ để nhạy cảm với hocmon oxytocin để chuyển dạ và sinh bé ở cuối thai kỳ (cùng với sự phối hợp của các nội tiết tố khác). 


Nhờ vậy, từ sau tuần 38, các hoạt động kích thích hocmon oxytocin cũng chính là các hoạt động giúp chuyển dạ nhanh chóng, ngoài ra, nhờ số điểm tiếp nhận đạt cao nhất sau khi sinh, mà việc cho con bú hoàn toàn và liên tục từ khi sau khi sinh, giúp tử cung của mẹ mau thu gọn và giảm nguy cơ sa tử cung và các bệnh liên quan đến tử cung, các chứng bệnh mà nhiều phụ nữ không cho con bú phải lo ngại.


Việc tử cung có rất ít điểm tiếp nhận hocmon oxytocin trong "giai đoạn 1", chỉ là một trong những đặc tính bảo vệ cho tử cung tránh sinh non, ngoài ra còn có nhiều yếu tố bảo vệ khác.  Trong phạm vi của bài này, và mối liên hệ với bầu vú mẹ và hocmon oxytocin, nên chúng ta chỉ nói đến đặc tính này.  Tuy nhiên đây không phải là cơ chế duy nhất bảo vệ tử cung trong thai kỳ, còn có các cơ chế khác không liên quan đến đặc điểm này.  Đó là lý do, có những trường hợp sinh non vì những nguyên do hoàn toàn khác, ví dụ như các hocmon ức chế như progestrogen, các protein xúc tác...


3- Tầm quan trọng của sữa non của mẹ trong 72 giờ đầu đời, đối với hệ niệm mạc:


Cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất SỮA NON (Colostrum) từ giữa thai kỳ. Thông thường khoảng tuần 16 - 20 của thai kỳ (mẹ sinh con rạ có thể thấy sữa non sớm hơn) trong bầu vú mẹ diễn ra quá trình hoàn chỉnh của tế bào tạo sữa (lactocytes - nang sữa) và những giọt sữa non đầu tiên bắt đầu được tạo ở đây gọi là Giai đoạn Tạo sữa 1 (Lactogenesis I) giai đoạn này tiếp tục đến khoảng 72 giờ sau khi sinh (do sự chuyển đổi trong cấu trúc giữa các tế bào nang sữa), mà sữa non được tạo ra suốt trong thời gian đó, khi có đủ hocmon prolactin và oxytocin, chứ không phải chỉ là một số lượng giới hạn mà vắt trữ trước khi sinh thì sau khi sinh sẽ không còn, như một số giải thích sai lầm trong cộng đồng gần đây.


Ở giai đoạn này, khoảng cách giữa các nang sữa còn chưa kín, do đó sự lưu thông qua lại giữa huyết thanh (máu) và sữa khá cao, vì vậy sữa non có thể có màu hơi đỏ của máu, màu nhuốm hồng, màu vàng cam hoặc màu vàng nhạt (chứ không trắng như sữa già (Mature Milk) ở Giai đoạn Tạo sữa 2 khi hình thức, chất thay đổi và lượng sữa gia tăng đáng kể.)


Khi hiểu rõ tác dụng"hoàn thiện và bảo vệ toàn bộ hệ niêm mạc" trong cơ thể bé sơ sinh, đặc biệt là hệ niêm mạc ruột non được hoàn thiện bởi các "yếu tố phát triển niêm mạc" giúp vi lông ruột được phủ đầy trên hệ lông ruột ở khắp niêm mạc ruột non, là yếu tố căn bản giúp toàn bộ cơ thể được bảo vệ chống bệnh tật và hấp thụ đúng chuẩn của cơ thể này từ nhỏ đến lớn.  Cơ chế này gọi là "cơ chế lập trình đầu đời", chỉ có được khi bé được hưởng trọn sữa non của mẹ, và chỉ sữa mẹ, trong 72 giờ đầu đời.


Ảnh: Sự phát triển của vi lông ruột khi được nuôi bằng sữa non và hiện tượng thiếu vi lông ruột (còn gọi là hiện tượng "hở ruột" - leaky gut) khi bị tiếp xúc liên tục với sữa công thức


Nếu niêm mạc ruột bị tiếp xúc bởi sữa công thức trong những giờ đầu đời này, niêm mạc ruột còn chưa phát triển sẽ không có cơ hội được hoàn thiện và vi lông ruột sẽ không thể mọc phủ kín niêm mạc ruột, khiến niêm mạc dễ dàng bị thẩm thấu những thành phần dinh dưỡng không đúng chuẩn và là nơi các độc tố và mầm bệnh có thể thâm nhập vào máu.  Niêm mạc ruột không được phủ kín lông ruột và có thể còn bị tổn thương bởi các hoá chất phụ gia trong sản phẩm sữa công nghiệp, được gọi là hiện tượng "hở ruột" (leaky gut) ở trẻ sơ sinh, ảnh hưởng ngay lập tức đến hệ tiêu hoá của bé, mà rất khó được phục hồi.  Chính vì thế UNICEF (11/2013) nói rõ rằng: "chỉ một cữ sữa công thức cũng có thể gây tổn thương cho hệ tiêu hoá của trẻ, mà phải mất nhiều tuần (sữa mẹ hoàn toàn) mới có thể phục hồi.


Ngoài ra, sữa non là liều tiêm chủng đầu tiên và liên tục cho bé trong 72 giờ đầu đời, với lượng kháng thể đậm đặc (gấp 8-12 lần sữa già của mẹ sau này và trong khi đó sữa công thức không có tí kháng thể nào), giúp bảo vệ bé chống vô số mầm bệnh ở môi trường mới, khi bé vừa ra khỏi môi trường vô trùng trong bụng mẹ.


4- Khi không thể bú sữa non của mẹ trực tiếp ngay sau khi sinh, các thứ tự ưu tiên khác là gì? có phải khi không có sữa mẹ, thì dùng sữa công thức là đương nhiên?


Chúng ta luôn luôn biết rõ rằng, trẻ cần được da tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh và bú sữa non của mẹ trong 1 giờ đầu đời là tốt nhất (kể cả sinh non hay sinh đủ tháng, sinh mổ hay sinh thường).  Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta biết rất rõ rằng, con số trẻ sơ sinh được da tiếp da và bú mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh là rất ít, mà hầu hết trẻ sơ sinh ở Việt Nam bị cách ly mẹ nhiều giờ sau sinh và bị tráng ruột bằng 1 hay nhiều cử sữa công thức trước khi được bú mẹ trực tiếp.  Nhiều trường hợp, các bé còn được khuyên nên uống sữa non công thức của bò, và điều đó càng ngày càng trở nên phổ biến một cách đáng ngại.


5- Sữa non của bò có thể thay thế sữa non của mẹ?


Tuy trong sữa mẹ (sữa non và sữa già) và sữa bò (sữa non và sữa già) đều có những thánh phần kháng thể này, tỉ lệ các kháng thể globlin miễn dịch trong sữa của các loài, cho thấy rằng:


  • Tỉ lệ các kháng thể chính trong từng loại sữa của từng giống khác nhau đều khác nhau. Trong sữa mẹ, globulin-A (IgA) là loại kháng thể chính, và kháng thể IgM, IgG có tỉ lệ ít hẳn. 

  • Loại kháng thể IgA mà cơ thể sơ sinh cần nhiều hơn cả, thì lại có tỉ lệ rất thấp trong sữa bò.  Trong khi đó, loại kháng thể mà cơ thể người không cần nhiều, lại có nhiều trong sữa của bò.
     
  • Sữa mẹ và đặc biệt là sữa non của mẹ ruột chứa IgA với yếu tố S (secretory) S-IgA là hệ miễn nhiểm chỉ định giúp bé có kháng thể cho đúng các hệ khuẩn và mầm bệnh trong môi trường của 2 mẹ con.  Dĩ nhiên, là trong sữa non của bò không có loại kháng thể này.

  • Ngoài ra, các kháng thể trong sữa non của bò cũng đã bị mất đi nhiều trong quá trình sản xuất thành sữa công thức, vận chuyển. Mà phần kháng thể còn lại trong sữa đi nữa cũng ít hiệu quả với hệ khuẩn của loài người.

Khi tỉ lệ và tính chất của các kháng thể này không đúng với chuẩn, cơ thể sẽ bị suy giảm miễn dịch, một trong những nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch phổ biến là:


Suy giảm miễn dịch do thiếu hụt IgA (vì sữa non của bò có tỉ lệ IgA thấp so với nhu cầu của con người): Thiếu hụt IgA là thể suy giảm miễn dịch thường gặp nhất. Tuy nhiên, 75% - 80% người bị suy giảm miễn dịch do thiếu IgA vẫn có biểu hiện mạnh khoẻ và chỉ thể hiện triệu chứng, mà mãi sau một thời gian dài mới phát bệnh nhiễm trùng, hô hấp, dị ứng, khả năng tự miễn nhiểm giảm, bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh đường ruột và bạch huyết.



Vì thế, bé sơ sinh bú sữa non của bò, thay vì sữa non của mẹ: 

  • Không nhận được các lợi ích 72 giờ vàng lập trình đầu đời của sữa non của mẹ

  • Không có hệ miễn nhiểm hiệu quả

  • Không có hệ miễn nhiểm cân đối, và có nguy cơ suy giảm miễn dịch.


Theo các nguồn y tế độc lập (WEBMD, US FDA, HEALTHLINE) đều thống nhất rằng, mặc dù các hảng sản xuất và người sử dụng là vận động viên thể thao cho rằng họ đạt kết quả thể thao cao hơn khi dùng các sản phẩm sữa con của bò, các lợi ích được hãng sản xuất tuyên bố như chống nhiểm trùng, tiêu chảy, giảm mỡ, giúp mau lành vết thương... đều chưa có đủ bằng chứng và cần được nghiên cứu thêm một cách khách quan. 


Các nguồn này cũng đưa ra lời cảnh báo đặc biệt cho thai phụ và mẹ sữa, trẻ em (dưới 18 tuổi) và những người dị ứng với sữa bò nên tránh sử dụng các sản phẩm này.Thông tin của WHO và UNICEF luôn là bé không nên dùng gì ngoài sữa mẹ từ sơ sinh đến 6 tháng, có nghĩa sct bình thường hay sct làm từ sữa non của bò đều không nên sữ dụng.


6- Sữa non vắt trữ đông trước khi sinh dễ bị nhiễm khuẩn, hay sữa công thức dễ bị nhiễm khuẩn?


Có nhiều người cố đánh lạc hướng câu chuyện bằng cách so sánh sữa non vắt trữ với sữa non bú ngay. Trong trường hợp chúng ta đang bàn, chúng ta biết rõ sữa non bú trực tiếp từ mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh là vô địch, và chúng ta không mong gì hơn là mọi trẻ em đều được hưởng điều tốt đẹp đó.  


Tuy nhiên câu chuyện chúng ta đang nói, là những trường hợp các bé bị cách ly và bị bú sữa công thức trước sữa mẹ, do đó, phải so sánh khả năng nhiễm khuẩn giữ sữa non vắt trữ và sữa công thức.  Sữa non vắt trữ là một đạo quân kháng thể đậm đặc 8-12 lần lượng kháng thể trong sữa già của mẹ, và công dụng của sữa này là diệt khuẩn chống viêm, do đó có dễ bị nhiễm khuẩn không, hay khuẩn ngay cả nếu thâm nhập vào đây sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng?  Do đó, phát biểu việc trữ sữa non có nguy có nhiễm khuẩn gây viêm ruột hoại tử.. là hoàn toàn không có cơ sở. 


Mà hoàn toàn ngược lại, đó chính là nguy cơ khi sử dụng sữa công thức mà WHO và UNICEF liên tục khuyến cáo.  Bởi vì, sữa công thức không có một tí kháng thể nào, và được biết rất nhiều về khả năng nhiễm khuẩn, nguy cơ tiêu chảy, viêm ruột, không chỉ vì sử dụng nguồn nước và dụng cụ pha chế không sạch, mà bản thân sữa công thức bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc từ dây chuyền sản xuất, vận chuyển, từ trước khi mở hộp không phải là việc hiếm gặp.  Có lẽ, cộng đồng chúng ta cũng không quên những lần các hãng sữa thông báo thu hồi sản phẩm vì nhiễm khuẩn trong dây chuyền sản xuất.  Tuy nhiên, những thông báo nào có tính địa bàn cục bộ, ví dụ thông báo sản phẩm sản xuất cho thị trường Mỹ, chỉ được thông báo trên website hoặc phương tiện truyền thông tại quốc gia đó, liệu khi các gia đình sử dụng "sữa xách tay từ Mỹ", liệu có được người gửi hàng từ Mỹ thông báo những mã số sản phẩm mà sau đó hãng sữa có thông báo thu hồi?

                                                 
(nên nhớ rằng chúng ta đang nói về sữa non, có đội quân kháng thể đông gấp 8-12 lần ảnh minh hoạ này)
Ảnh: ảnh chụp hiển vi, sữa công thức (ảnh dưới) không có tí kháng thể nào, và sữa mẹ vắt ra (ảnh trên) đầy một đội quân kháng thể sinh học hùng hậu 


7- Vắt sữa non trước khi sinh để làm gì?


Học cách để vắt tay, thu hoạch dần dần và dự trữ SỮA NON từ trước khi sinh là một kỹ năng cần thiết cho các bà mẹ. Ngay sau khi sinh, bé cần được CHỈ BÚ HOÀN TOÀN SỮA NON của mẹ. 


Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt, do quy trình của Bệnh viện, do sức khỏe của mẹ hoặc con, con có thể phải cách ly khỏi mẹ, sữa non trữ sẵn của mẹ sẽ cực kỳ hữu dụng!


Các tình huống đặc biệt cần thiết có sữa non của mẹ (trữ sẳn hoặc vắt ngay, hoặc đi xin mẹ khác HIV- và thanh trùng) bao gồm, nhưng không giới hạn:

  • Mẹ bị tiểu đường/ tiểu đường thai kỳ
  • Mẹ được chỉ định sinh mổ, hoặc có nguy cơ con có thể bị cách ly nhiều giờ sau khi sinh
  • Mẹ có bất thường ở bầu vú/ đầu ti
  • Bé bị hở hàm ếch
  • Các tình huống sức khỏe khác của mẹ/ con ngay sau khi sinh


8- Vắt sữa non vào thời điểm nào là thích hợp?


Các mẹ có thể thỉnh thoảng khi tắm hoặc chăm sóc bầu vú, có thể thấy sữa non từ tuần 32 đến 34 của thai kỳ hoặc có người có thể thấy sữa non sớm hơn, từ tuần 16 đến 20 của thai kỳ. Tuy nhiên, việc thu hoạch sữa có thể thật sự bắt đầu từ tuần thứ 36, khi sữa non có thể nhỏ giọt dễ dàng hơn.Chăm sóc bầu vú đúng cách trong thai kỳ cũng giúp cho sữa non của mẹ được sản xuất và tiết ra dễ dàng hơn.


9- Vắt sữa non như thế nào cho đúng và an toàn?


Tuyệt đối không được dùng bất cứ máy hút sữa nào để hút sữa non trước khi sinh, mà chỉ được vắt nhẹ nhàng bằng tay. Cách vắt tay dễ học và dễ thuần thục sau một vài lần thực hành. Và kỹ năng này rất có ích về sau này trong quá trình nuôi con sữa mẹ lâu dài.Sữa non ở giai đoạn này được "thu hoạch từng giọt" như sau:
Vắt tay chỉ khuyến khích  3 đến 5 phút / lần x 3 - 5 lần/ ngày.

  • Dùng ống tiêm y tế tiệt trùng (5ml - không kim) để thu từng giọt sữa non giữ túi nylon tiệt trùng gốc ban đầu, để cho ống tiêm có sữa vào, ghi ngày, dán lại trước khi trữ lạnh (dán tạm, nếu chưa đầy).
  • Thu tiếp sữa non vào ống tiêm cho đến khi đầy 1 ống 5 ml (không quá 3 ngày)
  • 1 ống tiêm đầy (hoặc sau 3 ngày) thì niêm kín túi nylon và chuyển sang trữ đông trong 1 hộp kín (vd. hộp Lock and Lock). 


Vì sữa non khá đặc và dẻo nên chảy chậm và không ra thành tia như sữa già, nên nếu mỗi lần vắt mẹ thu được 0.5ml - 1ml, mẹ có thể thu được 2.5ml - 5ml/ ngày là kết quả rất tốt rồi. 


Lượng sữa non thu được này có vẻ không nhiều, tuy nhiên các bạn cần ghi nhớ chi tiết quan trọng này: dung tích dạ dày của bé sơ sinh trong ngày đầu chỉ 5 - 7ml, có nghĩa bé cũng chỉ cần bú 5 - 7ml/ cữ, các mẹ sẽ hiểu vì sao một lượng sữa nhỏ thu hoạch trong vài tuần cũng vừa đủ cho con trong ngày đầu nếu cần. 


Việc massage và vắt sữa này cũng có thể gây co thắt tử cung nhẹ, nhưng cách vắt và thời gian như mô tả trong bài viết này là an toàn và không kích ứng chuyển dạ (giống như những cơn chuyển dạ giả không đủ mạnh để gây sinh non), trừ khi mẹ đã ở sẵn trong tình trạng "doạ sinh sớm" từ trước tuần 36.


Phương pháp vắt trữ sữa trước khi sinh này đã được chính thức giới thiệu trong nhiều tài liệu của các tổ chức chuyên môn về sữa mẹ, (như Tài liệu hướng dẫn số 2811 năm 2008 của La Leche League GB, Tài liệu hướng dẫn số 322591 của Captial and Coast District Health Board New Zealand)


10- Cách tự vắt sữa bằng tay?


Rửa tay sạch bằng xà phòng, chườm bầu vú bằng khăn ấm (hoặc vắt sau khi tắm vòi sen ấm), massage bầu vú (có thể áp dụng phương pháp massage Betibuti3 bước, 3 phút, ở vị trí đầu dây thần kinh kích thích hocmon oxytocin ở tại quầng vú.

Ảnh: Phương pháp massage 3' betibuti, nhẹ nhàng và hiệu quả


Động tác vắt gồm 3 bước: đặt - ấn - vắt

  • Đặt ngón tay cái phía trên quầng vú và ngón tay trỏ dưới quầng vú, cách chân ti khoảng  3-4 cm (đầu ngón tay cái, đầu ti và đầu ngón trỏ thẳng hàng)
  • Ấn giữ các đầu ngón tay cố định trên da, ấn ngược vào thành ngực
  • Vắt: ép hai đầu ngón tay về phía đầu ti để vắt nhẹ nhàng
  • Lặp lại động tác này nhịp nhàng theo 3 bước cho đến khi thấy những giọt sữa non tiết ra khỏi đầu ti.
  • Dùng ống tiêm hút "thu hoạch" từng giọt sữa non này.
Ảnh minh hoạ: Hướng dẫn phương pháp vắt trữ sữa non của Cô Sandra Lang (IFC/ WABA)


11- Cho bé bú sữa non trữ sẵn này như thế nào tốt nhất?


Khi đi sinh, bố mẹ bé mang sữa đông này trong hộp kín và túi trữ lạnh và gửi vào ngăn đông ở tủ lạnh của Bệnh viện, để dự phòng trong trường hợp bé không được da tiếp da và bú mẹ trong vài giờ đầu sau sinh.

Ảnh: Bé bú sữa non trữ sẳn bằng phương pháp "mút ngón tay".  

Bố hoặc nhân viên y tế có thể thực hiện bước này trong khi chờ bé được về bú mẹ trực tiếp.


Khi cần dùng, bố bé hoặc người chăm sóc bé sẽ ngâm cả ống tiêm (để nguyên trong nylon tiệt trùng) vào nước ấm, hay máy hâm sữa, và đút cho bé ăn từ ống tiêm + mút ngón tay bố/ mẹ (finger-feeding như hình minh hoạ). Mỗi cữ 5ml, có thể cách cữ 1 giờ - 1.5 giờ trong ngày đầu, cho đến khi bé được về với mẹ, da-tiếp-da và bú mẹ trực tiếp.  Phương pháp bú bằng ngón tay đã được giới thiệu qua video clip trên Hội Sữa Mẹ (Betibuti) cho các bố mẹ quan tâm có thể tham khảo.


Vì lượng sữa rất nhỏ, nên không nên chuyển sữa qua nhiều dụng cụ khác, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tránh hao tốn những giọt sữa quý giá này, khi sang qua nhiều dụng cụ.


12- Ý nghĩa của việc vắt sữa non trước khi sinh:


  • Giúp người mẹ hiểu được cơ chế tạo sữa non trong thai kỳ và tự tin rằng trong bầu vú mẹ đã có sẵn sàng sữa cho con, chứ không phải chờ sữa về như quan niệm sai lầm phổ biến hiện nay.
  • Giúp mẹ nhìn thấy hình thức (đặc, dẻo nên dễ nuốt) và dung lượng ít ỏi của sữa non là phù hợp với khả năng mút nuốt của con và phù hợp với dung tích dạ dày sơ sinh.
  • Giúp mẹ có được một kỹ năng hữu ích của quá trình nuôi con sữa mẹ, để sử dụng sau này, khi bị căng ngực, cương sữa, trữ sữa v.v. mà không phải phụ thuộc vào máy hút sữa
  • Giúp cho trong mọi tình huống, phòng hờ, bé luôn có sẵn sữa non của mẹ để việc "lập trình đầu đời" của niêm mạc ruột được hoàn hảo
  • Giúp mẹ yên tâm chuẩn bị cho những ngày sắp sinh, vì mẹ tin tưởng rằng cho dù đẻ mổ hoặc các chỉ định cách ly mẹ, con vẫn có sữa non của mẹ cho những cữ bú đầu tiên.

Do đó, dựa trên kiến thức và các thẩm định mới này, các Hiệp hội Sữa mẹ các nước tiên tiến trên toàn thế giới đều có tài liệu hướng dẫn phương pháp vắt trữ sữa non trước khi sinh và mô tả những trường hợp nào nên áp dụng để giảm thiểu những tình huống bé sơ sinh phải bú tráng ruột bằng sữa công thức.  


Tài liệu đào tạo  Liên minh Hành động vì Nuôi Con Sữa Mẹ Thế Giới WABA 11/2013 và gần đây nhất Tài liệu Tập huấn cho Chuyên viên Dự Án Alive&Thrive tại Việt Nam 12/2013 của ICF, Anh cũng đã bao gồm khuyến nghị phương pháp vắt sữa non cho những trường hợp bé có nguy cơ bị cách ly sau khi sinh và hướng dẫn các kỹ năng này cho các chuyên viên dự án và chuyên viên y tế tham dự.


Phương pháp chăm sóc bầu vú mẹ trong thai kỳ và kỹ năng cụ thể để vắt trữ sữa non an toàn và hợp vệ sinh cũng được hướng dẫn chi tiết trong các tài liệu và tư vấn của chúng tôi ở Hội Sữa Mẹ (Bé Tí Bú Ti), mà các bạn có thể tham khảo thêm, khi cần.  Ngoài ra sữa non chuyển tiếp sang sữa già do sự thay đổi giữa các tế bào tạo sữa khoảng 72 giờ sau sinh, do đó sữa non vẫn tiếp tục được sinh ra trong 72 giờ sau sinh, cho dù có vắt trữ trong thai kỳ hay không.  Do đó, việc thu trữ sữa non trước khi sinh không làm giảm lượng sữa non sau khi sinh, như nhiều người nhầm tưởng.


Ảnh: Phương pháp thu trữ sữa non an toàn được tư vấn tại Hội Sữa Mẹ (Betibuti) cho các mẹ dự sinh mổ, và "dự phòng" sử dụng cách ly sau mổ, trước khi bé về với mẹ hay mẹ vắt đc sữa non sau sinh.


Trong mọi trường hợp, bà mẹ được khuyến khích cho con da tiếp da và bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh (dù sinh mổ hay sinh thường). Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỉ lệ sinh mổ khá cao và hầu hết các bệnh viện chưa có quy trình da tiếp da và cho bé bú mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh. Nhiều trường hợp sinh thường cũng bị cách ly mẹ một số giờ sau khi sinh, đặc biệt là các bé nhẹ cân hay sinh thiếu tháng.  Trong những trường hợp này, việc bé được tráng ruột sữa non của mẹ để bé được bảo vệ tối đa là hết sức cần thiết, sữa non của mẹ vắt sau khi sinh ngay cả khi bị cách ly là tốt nhất, tuy nhiên nếu bà mẹ không được da tiếp da và chưa từng vắt sữa trước đó, thì việc thu được lượng sữa non cần thiết gần như không thể.  Đứng sau sữa non vắt ngay của mẹ là sữa non đã được vắt và trữ trước đó là giải pháp tốt hơn nhiều so với dùng sữa công thức cho bé sơ sinh.


Chúc các mẹ nuôi con sữa mẹ đầy tự tin, nhờ hiểu rõ khả năng tuyệt vời của cơ thể người mẹ!


Lê Nhất Phương Hồng 
Cập nhật: 07/08/2014
Lượt xem: 9305
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™