Protein: Sữa mẹ có số lượng protein (đạm) ít hơn sữa động vật nhưng có đủ các loại Acid amin cần thiết với tỷ lệ cân đối và dễ hấp thu vì vậy rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành. Bên cạnh đó, protein trong sữa mẹ chủ yếu là protein dạng lỏng hòa tan, còn gọi là protein sữa (Whey protein) (Tỷ lệ whey/casein = 80/20 và có thể thay đổi đến tỷ lệ 60/40 trong quá trình điều tiết sữa) nên phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ; còn protein trong sữa bò chủ yếu là casein (85%) nên khi vào dạ dày của trẻ nhỏ sẽ tạo thành các cục đông vón làm trẻ khó tiêu hóa và hấp thu,trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa. Whey protein chứa các protein kháng khuẩn giúp trẻ có khả năng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Lipid: cấu trúc của lipid trong sữa mẹ có nhiều acid béo chuỗi dài không no dễ hấp thu và nhiều acid béo cần thiết như acid linoleic đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển hệ thần kinh, mắt và sự bền vững của mạch máu ở trẻ nhỏ. Hàm lượng lipid trong sữa mẹ vào khoảng 5,5g/100ml, lipid cung cấp khoảng một nửa năng lượng cho trẻ bú mẹ.
Glucid: trong sữa mẹ chủ yếu là đường lactose với hàm lượng khoảng 7g/100ml. Một số lactose trong sữa mẹ vào ruột chuyển thành acid lactic giúp cho sự hấp thu canxi và muối khoáng.
Vitamin: Sữa mẹ có nhiều vitamin A hơn sữa công thức, vì vậy trẻ bú sữa mẹ sẽ đề phòng được bệnh khô mắt. Các vitamin khác trong sữa mẹ cũng đủ cung cấp cho trẻ trong 6 tháng đầu nếu bà mẹ được ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, ngoại trừ vitamin D là loại vitamin cơ thể tự tổng hợp khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Muối khoáng: Nguồn Ca, Fe và Zn trong sữa mẹ tuy ít hơn trong sữa công thức nhưng có hoạt tính cao, dễ hấp thu do vậy vẫn đáp ứng được nhu cầu của trẻ nên trẻ được nuôi bằng sữa mẹ đặc biệt là hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ ít bị còi xương và thiếu máu do thiếu sắt hơn những trẻ được nuôi bằng sữa bò.
Nguồn: trích từ Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng - Viện Dinh dưỡng