Có một kẻ giết người thầm lặng đang cướp đi mạng sống của hàng ngàn trẻ em. Mỗi năm có đến 346.000 trẻ em ở khu vực Đông Nam Á tử vong trước khi tròn năm tuổi. Gần một nửa số ca tử vong này (45%) là do nguyên nhân dinh dưỡng kém! Thêm vào đó, do kinh tế khấm khá và lối sống thay đổi, trẻ em và người lớn ngày càng có nguy cơ thừa cân và béo phì. Gánh nặng kép về dinh dưỡng này đòi hỏi các nước ASEAN phải ngay lập tức quan tâm.
Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN nhóm họp tại Hà Nội vào ngày 18-19/9 là một cơ hội để các nước xem xét tiến độ đạt được trong công cuộc cải thiện sức khỏe của 625 triệu dân đang sinh sống tại 10 quốc gia ASEAN, đồng thời đưa ra các cam kết nhằm xóa bỏ dinh dưỡng kém.
Dinh dưỡng kém bao gồm suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi, và thừa dinh dưỡng – nguyên nhân gây ra thừa cân và béo phì ở trẻ em và người lớn.
Suy dinh dưỡng thấp còi, tức là chiều cao thấp so với tuổi, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Thừa cân và béo phì được phản ánh qua chỉ số khối của cơ thể (cân nặng trên chiều cao) hoặc cân nặng theo tuổi. Trong khu vực ASEAN, thừa cân và béo phì ở cả trẻ em và người lớn đang ngày càng tăng. Năm 2012, hơn một phần tư số học sinh của Malayxia bị thừa cân và béo phì.
Có rất nhiều các biện pháp khả thi để giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ em mà nhờ đó có tác động tích cực đến sức khỏe khi trưởng thành và giúp phòng tránh các bệnh không lây (như tiểu đường, cao huyết áp).
Trước hết cần nâng cao nhân thức về dinh dưỡng. Các quốc gia ASEAN cần cam kết đạt được những mục tiêu về giảm thấp còi và phòng chống béo phì. Việt Nam là một minh chứng cho thấy suy dinh dưỡng có thể cải thiện được. Năm 2000, Việt Nam có 43% số trẻ dưới năm tuổi bị thấp còi. Sau hơn một thập kỷ thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tỉ lệ này giảm xuống còn 26,7% (2012).
Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những can thiệp dinh dưỡng đơn giản nhất có thể cứu mạng sống trẻ em. Cho trẻ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu (tức là chỉ cho trẻ bú mẹ, không uống nước, sữa bột hay ăn thức ăn gì khác) là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh tật và giảm nguy cơ tử vong ở trẻ.
Bước tiếp theo là đảm bảo rằng tất cả trẻ em và những người chăm sóc trẻ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhận được thông tin đúng đắn để phòng tránh suy dinh dưỡng thấp còi và béo phì.
Cuối cùng, các nước ASEAN cần phải tăng cường các chính sách pháp luật nhằm đảm bảo dinh dưỡng tốt cho công dân của mình, cần ban hành và tăng cường thực thi các quy định quản lý hoạt động tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ, đảm bảo thực phẩm bổ sung vi chất như muối i-ốt. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động, do vậy đảm bảo các chế độ thai sản hợp lý là rất quan trọng.
Những lợi ích mà đầu tư vào dinh dưỡng mang lại vượt xa so với chi phí bỏ ra. Suy dinh dưỡng có thể làm giảm đến 3% tỷ lệ tăng trưởng GDP của một quốc gia mỗi năm. Chúng ta biết rằng các can thiệp dinh dưỡng đồng bộ trong 1000 ngày đầu đời có thể giúp tạo ra sự khác biệt giữa một trẻ em khỏe mạnh và một trẻ em phải chịu nhiều bệnh tật. Tất cả chúng ta và mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm tạo ra sự khác biệt đó.
Nemat Hajeebhoy - Giám đốc Dự án Alive & Thrive Việt Nam
Greg Duly - Giám đốc Khu vực Đông Á và Đông Nam Á của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em