Thuốc nào có thể qua sữa mẹ?  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú phải dùng thuốc chữa bệnh đều rất phân vân, lo lắng về ảnh hưởng của thuốc thông qua sữa mẹ đối với sức khỏe của con. Đã có nhiều bà mẹ lựa chọn giải pháp tạm thời ngừng cho con bú trong giai đoạn dùng thuốc. Tuy nhiên, có rất nhiều nguy cơ nếu không thể cho con bú, vì thế cần xem xét một số điều sau.

Một ít thuốc tiết qua sữa có làm cho việc bú mẹ nguy hiểm hơn so với dùng sữa bình không? Hầu như không đáng lo ngại. Nói cách khác, thái độ thận trọng nghĩa là tiếp tục cho con bú chứ không phải là chuyển sang bú bình. Cần lưu ý rằng, ngừng cho bú 1 tuần có thể làm cho trẻ thôi bú vĩnh viễn vì trẻ không chịu bú mẹ nữa.

Cho con bú khi người mẹ dùng thuốc, nhìn nhận thế nào? Hầu hết thuốc mà người mẹ dùng đều có trong sữa nhưng thường chỉ ở mức rất nhỏ. Mặc dù một số rất ít thuốc vẫn có thể gây ra vấn đề cho trẻ dù với lượng rất nhỏ nhưng đa số không như vậy. Khi mẹ cho bú mà phải dùng thuốc chữa bệnh cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để được thay thế bằng loại thuốc an toàn chứ không cần ngừng cho bú.

Tại sao phần lớn thuốc mà người mẹ dùng chỉ có trong sữa với lượng rất nhỏ? Vì nồng độ thuốc trong máu mẹ thường chỉ tính bằng microgram, thậm chí nanogram (một phần triệu hay một phần tỷ của gram) trong khi người mẹ dùng thuốc ở liều milligram (một phần nghìn của gram) hoặc gram. Hơn nữa, không phải mọi thứ thuốc có trong máu mẹ đều có thể chuyển qua sữa. Chỉ có loại thuốc không gắn với protein trong máu mẹ mới có thể chuyển qua sữa. Nhiều thuốc hầu như gắn hoàn toàn với protein trong máu mẹ, do đó trẻ không nhận được lượng thuốc tương tự như liều lượng người mẹ dùng mà luôn thấp hơn nhiều.

 Các bà mẹ không nên quá lo lắng vì ảnh hưởng của thuốc tới con.

Thuốc như thế nào được coi là an toàn?

Hầu hết, thuốc là an toàn nếu đảm bảo các tiêu chí sau: 

  • Thuốc thường chỉ được dùng cho trẻ em: Lượng thuốc qua sữa ít hơn nhiều so với khi trẻ dùng trực tiếp.

  • Thuốc được coi là an toàn khi mang thai: Điều này không phải bao giờ cũng đúng, vì khi mang thai, cơ thể mẹ lại giúp cho thai không tiếp nhận thuốc. Do đó, về lý thuyết, sự tích tụ chất độc lại có thể xảy ra khi cho con bú chứ không xảy ra khi mang thai (mặc dù điều này hiếm khi diễn ra).

  • Thuốc không được hấp thụ ở dạ dày hay ruột: Những thuốc này bao gồm nhiều loại thuốc tiêm, tuy không phải tất cả. Ví dụ, thuốc gentamycin (và nhiều thuốc khác thuộc dòng kháng sinh), heparin, interferon, thuốc gây tê tại chỗ, omperazole... 

  • Thuốc không thải trừ qua sữa mẹ: Một số thuốc chỉ vì quá to nên không thể chuyển qua sữa mẹ, ví dụ heparin, interferon, insulin.

Những thuốc nào được coi là an toàn khi cho con bú? Một số thuốc thường dùng được xem là an toàn khi cho con bú, bao gồm:

  • Acetaminophen (tylenol, tempra), rượu (với lượng hợp lý), aspirin (liều thông thường, trong thời gian ngắn). Hầu hết, thuốc chống động kinh, thuốc hạ huyết áp, tetracyclin, codein, thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen), prednisone, thyroxin, warfarin, các thuốc chống trầm cảm, metronidazole (flagyl)...

  • Thuốc bôi ngoài da, thuốc hít (như thuốc chữa hen) hay thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi đều gần như an toàn khi cho con bú.

  • Thuốc gây tê tại chỗ hay khu vực dùng cho người mẹ không được hấp thụ vào dạ dày trẻ và an toàn. Những thuốc dùng trong gây mê toàn thân cho mẹ chỉ đi vào sữa mẹ với lượng rất nhỏ (giống như các thuốc khác) và rất khó có thể tác động đến trẻ. Những thuốc này có thời gian bán thải rất ngắn và bị thải trừ rất nhanh khỏi cơ thể mẹ. Người mẹ có thể cho con bú ngay sau khi tỉnh. 

  • Gây miễn dịch (tiêm hay uống vaccin) cho mẹ không đòi hỏi phải ngừng cho bú. Trái lại, việc gây miễn dịch cho mẹ còn giúp trẻ phát triển sự miễn dịch nếu như chất có trong vaccin vào sữa. Trong thực tế, hầu hết các vaccin đều không đi vào sữa.

  • Chụp Xquang hay scan (phương pháp chẩn đoán hiện đại dựa trên hình ảnh): Xquang thông thường không đòi hỏi bà mẹ ngừng cho con bú ngay cả khi có dùng chất cản quang (ví dụ chụp bể thận với thuốc tiêm tĩnh mạch). Lý do là thuốc không đi vào sữa và dù có thì trẻ cũng không hấp thụ. Cũng như vậy với CT scan (chụp cắt lớp vi tính) và MRI scan (cộng hưởng từ) không cần ngừng cho bú dù có làm lần thứ hai. 

  • Còn phương pháp chẩn đoán bằng chất phóng xạ? Khi mẹ cần đến phương pháp chẩn đoán có dùng chất đồng vị phóng xạ (để có hình ảnh tổn thương ở phổi, hệ bạch mạch, xương) thì nên dùng chất technetium vì chất phóng xạ này có thời gian bán thải là 6 giờ, có nghĩa là sau 12 giờ, 75% chất technetium đã được thải trừ và nồng độ trong sữa đã rất thấp.
 
Sau khi thăm dò bằng chất phóng xạ, bà mẹ đều có thể cho con bú, chỉ nên chờ qua 12 giờ (với technetium). Thăm dò tuyến giáp trạng với chất phóng xạ lại khác vì chất iodine phóng xạ tập trung nhiều ở sữa, được trẻ hấp thụ và sẽ đi đến tuyến giáp của trẻ rồi tồn tại ở đó lâu dài. Điều này rõ ràng đáng lo ngại nhưng may mắn là loại thăm dò này không mấy khi cần làm cho bà mẹ cho con bú.       

BS.Xuân Anh - Suckhoedoisong.vn

Cập nhật: 11/04/2013
Lượt xem: 5133
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™