(PL&XH) - Sau hơn một ngày ở BV, mẹ con chị Y được xuất viện và chị cũng bỏ qua luôn lời căn dặn của bác sĩ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Chuẩn bị sinh con đầu lòng, trong hành trang vào bệnh viện (BV) để vượt cạn, chị Y, ở huyện Đông Anh, Hà Nội không quên mang theo hộp sữa bột dành cho trẻ sơ sinh. Theo chị Y, lý giải thì sữa bột là sữa công thức, có đầy đủ chất dinh dưỡng nên chị có thể yên tâm cho con sử dụng.
Sau hơn một ngày ở BV, mẹ con chị Y được xuất viện và chị cũng bỏ qua luôn lời căn dặn của bác sĩ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Chị Y cho biết, bạn bè chị toàn cho con ăn sữa bột nhưng đứa nào cũng mập mạp, bụ bẫm nên chị không tin tưởng vào chất lượng sữa của mình bằng sữa bột. Vì thế, dù sữa không thiếu nhưng mỗi ngày chị Y, vẫn ép con ăn thêm sữa bột mới yên tâm.
Cần tuyên truyền để cộng đồng hiểu được giá trị to lớn của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ. Ảnh: Thịnh An
Tương tự, chị T, ở quận Đống Đa, Hà Nội nuôi con bằng sữa mẹ cả tháng đầu tiên chỉ tăng được 1kg nên rất sốt ruột và cho rằng sữa mình kém chất lượng. Nghe bạn bè mách bảo, khi con mới được hơn 1 tháng chị hầm gạo lấy nước cháo pha sữa để ép con ăn thêm cho lớn nhanh. Thế nhưng, đứa bé cứ khóc ngặt nghẽo và ăn được vài miếng lại nôn hết ra ngoài. Không ép được con ăn, thấy con chậm lớn chị T, sinh ra buồn chán, trầm uất.
Chính từ những cách hiểu chưa đúng về giá trị cũng như vai trò của sữa mẹ đã dẫn đến những cách nuôi con sai lầm, làm lãng phí nguồn sữa mẹ. Không chỉ có vậy, còn kéo theo những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Với những suy nghĩ chưa đúng ấy đã ảnh hưởng đến tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ tại Việt Nam.
Trong suốt hàng chục năm qua, dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; tăng cường thực hành nuôi con bằng sữa mẹ nhưng tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (năm 2010 là 19,6%). Cùng đó là hậu quả cứ 3 trẻ em lại có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi (gần 30%) và trong 5 trẻ thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Bên cạnh đó là hàng triệu trẻ em bị mắc các bệnh khác như tiêu chảy, viêm phổi,… do chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng; nhiều trẻ có kết quả học tập kém, giảm hiệu suất học tập/lao động, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ. Nếu không cải thiện tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ mà Nhà nước Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế-PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Để tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tháng 6 vừa qua Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua chế độ nghỉ thai sản 6 tháng nhằm tạo điều kiện cho sản phụ có điều kiện chăm sóc con tốt nhất. Bên cạnh đó là Luật Quảng cáo cũng được ban hành, trong đó cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình vú và vú ngậm nhân tạo.
Khi thông qua chế độ nghỉ thai sản 6 tháng, Việt Nam đã trở thành nước tiên phong trong việc xây dựng các điều luật bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sẽ đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho trẻ em và giúp giảm bớt chi phí giải quyết các bệnh gây ra do chế độ ăn uống không phù hợp dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Việt Nam-ông Jesper Moller, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đánh giá.
Bên cạnh những hành lang pháp lý đó, để cộng đồng hiểu được tầm quan trọng, giá trị của sữa mẹ và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ cũng như có chế độ dinh dưỡng đúng cho trẻ thì rất cần những biện pháp tuyên truyền sâu rộng. Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc dự án A&T cho biết, ngay từ ngày đầu tiên, người mẹ cần có không gian riêng tư và những hỗ trợ cần thiết để cho con bú sữa mẹ ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Sau đó, những người mẹ cần được tiếp tục hỗ trợ từ gia đình họ, từ những người khác nữa để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng và tiếp tục cho con bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi.
Theo bác sỹ Ornella Lincetto, Trưởng chương trình Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam thì điều cần thiết, quan trọng để thực hiện thành công việc bắt đầu cũng như duy trì nuôi con bằng sữa mẹ là sự hỗ trợ của các cán bộ y tế ở tất cả các cấp là rất quan trọng. Các cán bộ y tế chỉ nên nói về sữa mẹ-không có thức ăn hay bất kỳ đồ uống gì khác trong 6 tháng đầu của trẻ. Chúng ta nên nói không với sữa công thức!.
Thịnh An - Báo Pháp Luật & Xã hội
(Link bài gốc: http://phapluatxahoi.vn/20120803021739352p1001c1051/sua-me-dang-ngay-cang-mat-gia.htm)