Mẹ ít sữa có nhiều nguyên nhân, trong đó cách cho bú không phù hợp vừa có thể gây khó chịu cho mẹ vừa có thể không kích thích được sự tiết sữa. Vậy làm thế nào để mẹ có đủ sữa cho bé bú?
Cho con bú đúng cách: Để miệng trẻ ngậm đầy núm vú và ôm giữ cơ thể trẻ sát với mẹ, sao cho mũi trẻ áp vào vú mẹ, mũi trẻ và cằm tạo thành một đường thẳng hướng xuống dưới. Lúc đầu, khi vú đang căng đầy, nhiều sữa đầu (lỏng, giống như sữa đã lấy hết kem) trẻ mút mạnh, nuốt rồi nghỉ, cứ theo nhịp đó, sau đó vú mẹ mềm hơn, bắt đầu có sữa sau (giàu chất béo, rất tốt để trẻ tăng cân và giúp não phát triển) và trẻ bú từ tốn hơn, vì vậy cần cho trẻ bú hết từng bên bầu vú để bảo đảm thành phần dinh dưỡng được cân đối.
Cho trẻ bú nhiều lần: Dù đã có lời khuyên “không bao giờ đánh thức trẻ đang ngủ để cho bú” nhưng điều này lại không áp dụng với các bà mẹ không nhiều sữa. Sự tiết sữa ở người mẹ cũng tuân theo quy luật cung cầu, càng để cho trẻ ngậm lấy đầu vú nhiều lần, đủ để vắt kiệt bầu vú thì sữa càng được tạo ra nhiều. Có thể cho trẻ bú với khoảng cách rất gần ở một thời điểm nào đó trong ngày, thường là chiều tối, lúc trẻ hay quấy khóc nhất để đến đêm trẻ ngủ dài hơn. Trẻ cần bú ít nhất 10-12 lần trong 24 giờ hoặc cách 2 giờ 1 lần và về đêm không quá 4 giờ 1 lần.
Trong những tuần đầu, nếu khoảng thời gian để trẻ bú xa nhau quá thì có thể làm giảm sự tiết sữa. Trong tuần đầu sau đẻ, trẻ có thể mất đi 7% cân nặng và sẽ trở lại cân nặng khi sinh vào cuối tuần thứ hai, khi trẻ tăng cân đều đặn, mẹ có thể yên tâm. Trẻ chỉ có thể phân biệt được nhịp ngày đêm (tức ngủ nhiều vào ban đêm) khi đã được 3-5 tháng tuổi, cho nên trẻ bú nhiều vào ban ngày sẽ ít thức dậy ban đêm và có thể cho trẻ bú theo yêu cầu chứ không cần theo giờ.
Để có đủ sữa cho trẻ, người mẹ cần chú ý tới dinh dưỡng và cho
con bú đúng cách. (Ảnh minh họa)
Phát hiện trẻ chỉ mút mà không nuốt: Khi nhận thấy trẻ chỉ mút mà không nuốt, người mẹ dùng ngón cái để nâng đầu vú, các ngón khác đặt ở đáy bầu vú và bóp nhẹ nhằm duy trì dòng chảy của sữa.
Cho trẻ bú hết một bầu vú mới chuyển sang bầu vú bên kia: Thay đổi bầu vú khi chưa hết có thể ảnh hưởng đến sự tiết sữa. Khi bà mẹ ít sữa, cần cho trẻ bú cạn một bên rồi mới chuyển sang bầu vú kia. Và lần cho bú sau, bắt đầu với bầu vú đã có thời gian hồi phục lâu hơn.
Dùng máy hút sữa ngay sau khi trẻ bú xong: Máy hút sữa có chất lượng tốt giúp hút cạn sữa còn lại, hút trong 10-20 phút, kể cả khi bóp nặn không ra sữa. Cách này giúp bầu vú chỉ còn lại rất ít sữa, bầu vú rỗng sẽ kích thích sự tiết sữa nhiều hơn cho lần bú sau. Tại sao cần hút sữa thường xuyên sau mỗi lần cho con bú? Lại cũng do quy luật cung cầu, bầu vú càng được kích thích nhiều thì càng tiết nhiều sữa.
Dinh dưỡng tốt cho người mẹ: Điều kiện cơ bản, nếu người mẹ không có chế độ dinh dưỡng tốt thì rất khó đủ sữa cho nhu cầu của con. Mỗi ngày cần từ 1.800-2.200 kcalo, uống nhiều nước rất quan trọng để có nhiều sữa.
Không uống rượu: Uống rượu thực sự làm giảm lượng sữa và ức chế phản xạ xuống sữa. Mặc dầu đôi khi dùng đồ uống có độ cồn có thể an toàn với phụ nữ cho con bú nhưng với bà mẹ ít sữa thì vẫn nên tránh.
Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng sữa: Thuốc uống tránh thai, thuốc chống cảm cúm hay thuốc chống dị ứng có thể giảm tiết sữa, do đó cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
Bs. Ngọc Anh - Báo Sức khỏe & Đời sống