Người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những người phụ nữ thôn quê nghèo khó thường nhút nhát và thu mình trong vỏ ốc định kiến. Tuy nhiên, khi có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức mới, họ như lột xác khỏi vỏ ốc đó để được chia sẻ và học hỏi. Hãy cùng theo dõi câu chuyện của các chị em thôn Quý Thạch để xem họ cởi mở và tự tin như nào khi được trang bị đầy đủ kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ.
Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn. Con đường đất dẫn vào nhà văn hóa thôn Quý Thạch lầy lội sau cơn mưa. Tiếng hát cất lên từ trong nhà văn hóa thôn “… Đêm đêm vất vả ngoài đồng má bắt cua còng, má vớt lục bình nuôi con tiếc gì thân…”
Trong căn nhà rộng chừng ba chục mét, hai chục chị phụ nữ, thành viên của nhóm hỗ trợ cho trẻ ăn bổ sung đang ca hát. Tiếng nói cười xôn xao. Hỏi ra, chị Mùi, cán bộ Hội Phụ nữ xã, phụ trách điều hành các cuộc họp nhóm cho biết nhóm có 25 chị tham gia và hầu hết các chị đều có con hoặc cháu từ 6 đến 23 tháng tuổi. Cứ đến ngày 25 hàng tháng, các chị lại tập trung sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn.
Các chị xem tranh tư vấn và trao đổi nhóm
Mở đầu buổi sinh hoạt, chị Mùi cùng các thành viên trong nhóm ôn tập và kiểm tra bài cũ. Chị Mùi hỏi: “Khi trẻ bị tiêu chảy, suy hô hấp cấp thì các mẹ chăm sóc sao, hỉ?” Khác với vẻ rụt rè thường thấy của các chị phụ nữ nông thôn nghèo, chị nào chị nấy rôm rả, tự tin, giơ tay “đòi” phát biểu ý kiến. Chị phụ nữ tên Hồng tự tin “Phải cho uống nhiều nước, tránh thức ăn có đường”. “Vậy làm thế nào để biết trẻ bị tiêu chảy?” chị Mùi vặn lại. “Trẻ bị sốt, bị đi ngoài nhiều lần trong ngày, ngủ li bì" chị Hồng đáp trả, vẻ mặt chị hóm hỉnh và đắc thắng, có vẻ như chị rất tự tin vào kiến thức mà mình đã được học.
Trong lúc học bài mới, lác đác có một vài chị đến muộn. Một chị cười khoe, “Thấy trời mưa em định ở nhà mà không “nhịn” được nên lại phải đến”. Câu nói tếu của chị làm cả phòng không nín được cười.
Đến cuối buổi họp nhóm, chị Chính, một bà nội tích cực của nhóm chia sẻ, “Ngày xưa bà già tui chỉ cho ngủ đến 5 giờ sáng, sợ ngủ nhiều khó sanh. Rồi hồi tôi mới sanh xong, bả bảo vắt hết sữa non vì không tốt cho con. Giờ có con dâu, tôi cho nó ngủ thoải mái, ăn uống thoải mái để có sữa cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cháu tui giờ 7 tháng rồi mà ít bị đau lắm”.
Các bác, các chị hẹn chúng tôi khi nào có thời gian thì lại về thăm. Ra đến cửa, các chị còn nói với theo “lần sau về lâu lâu hơn để giao lưu nghen”. Được tiếp cận với những kiến thức khoa học, ai cũng vui. Tôi thầm nghĩ không vui, không tự hào sao được khi họ có thể đem những tri thức mà mình học được để nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
(Ghi nhận từ chuyến đi thực tế tại thôn Quý Thạch, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, ngày 11/4/2013, Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Cán bộ Thông tin và Báo cáo dự án Alive and Thrive. )