Tắc tia sữa (tắc tuyến sữa) bản chất là tình trạng ứ đọng sau khi sữa được sản xuất ra nhưng không được giải thoát ra ngoài tại vú của mẹ nuôi con. Nếu tình trạng này không được giải quyết sẽ dẫn đến viêm, áp xe vú làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của bé.
Dưới đây là những tư vấn của BSCK2. Nguyễn Thị Bích Ngọc - nguyên Trưởng Khoa sản II - Bệnh viện Thanh Nhàn về vấn đề tắc tia sữa.
Nguyên nhân của tắc tia sữa
Tắc tia sữa (tắc tuyến sữa) bản chất là tình trạng ứ đọng sau khi sữa được sản xuất ra nhưng không được giải thoát ra ngoài tại vú của mẹ nuôi con. Trong những ngày đầu sau sinh, trẻ sơ sinh không ăn hết lượng sữa mẹ tiết ra. Khi trẻ ăn không hết sữa sẽ dẫn tới sữa bị ứ đọng không được giải phóng.
Tắc tia sữa có thể xảy ra ở bất cứ bà mẹ nào đang nuôi con bằng sữa mẹ. Do trẻ không bú hết sữa, sữa mới và sữa cũ dồn lại ở hai tuyến vú. Vì vậy có hiện tượng vú bị nổi các cục vón. Các cục sữa này cương cứng làm cho ống dẫn sữa bị ứ trệ tuần hoàn, gây ra viêm, sưng, tấy đỏ ở vú.
Do mẹ chưa vệ sinh vú đúng cách khiến cho các tế bào da ở đầu tuyến vú chết, làm bít tắc, sữa không thoát ra được. Tốt nhất, các mẹ cần tham gia các lớp tiền sản để biết cách chăm sóc đầu vú đúng cách.
Tắc tia sữa còn do nguyên nhân mẹ mặc áo ngực quá chặt khiến cho các ống dẫn sữa không lưu thông.
Biểu hiện của tắc tia sữa
Khi tia sữa bị tắc, sữa sẽ vón cục lại tại các ống dẫn sữa. Bầu ngực của mẹ có cảm giác đau, tức và nóng hơn các vùng da khác. Khi chạm vào các phần nổi cục, mẹ sẽ thấy đau.
Nếu tình trạng tắc tia sữa kéo dài, mẹ sẽ bị áp xe vú, sốt cao, rét run. Khi đó cần phải có sự can thiệp của y tế.
Phòng tránh tắc tia sữa
Để phòng tránh bị tắc tia sữa, luôn phải đảm bảo không để tình trạng tắc xảy ra. Mẹ cần cho bé bú thường xuyên, đúng cữ. Sau khi bé bú xong, mẹ thường mất cảm giác căng tức tại vú, mẹ nên lấy nốt phần sữa còn thừa ra ngoài bằng cách hút, nặn bóp dọc theo dường đi của ống tuyến sữa bằng tay, hoặc máy…
Mẹ cần cho con bú đúng cách để bé có thể tận dụng được tối đa lượng sữa cơ thể cần. Mẹ có thể bế, nằm hay kể cả đứng cho con bú. Dù cho con bú ở tư thế nào thì cũng luôn cần đảm bảo cả con và mẹ đều thoải mái.
Cách trữ sữa mẹ trong tủ lạnh
Phần sữa lấy ra cần trữ trong các dụng cụ đựng sữa vô trùng và để trong ngăn đá của tủ lạnh.
Lưu ý rằng tủ để trữ sữa phải là tủ riêng, không nên để trữ sữa chung với tủ lạnh chung của gia đình. Bởi tủ lạnh gia đình vừa có thức ăn sống, vừa có thức ăn chín, không đảm bảo tiệt trùng.
Thời gian bảo quản sữa trong tủ lạnh không nên kéo dài quá 6 tháng, thích hợp nhất là khoảng 2-3 tháng. Trước khi cho trẻ ăn sữa, cần làm ấm sữa lại ở nhiệt độ 30 độ.
Nguồn: Báo Sức khoẻ & đời sống