Khi mang thai hoặc chuẩn bị làm mẹ cần trang bị cho mình những kiến cơ bản để tự chăm sóc cho mình cũng như thai nhi.
Thai phụ cần có những kiến thức cơ bản để chuẩn bị đón đứa con chào đời trong tình trạng khỏe mạnh.
Cho nên khi mang thai hoặc chuẩn bị làm mẹ cần trang bị cho mình những kiến cơ bản để tự chăm sóc cho mình cũng như thai nhi. Muốn vậy cần tạo bước đột phá về tâm lý cũng như dinh dưỡng, tạo một tâm lý phải hết sức thoải mái, tránh những lo âu, phiền muộn, căng thẳng.
Một số kiến thức cơ bản
Về dinh dưỡng, cần chuẩn bị trước đó cho một dinh dưỡng dồi dào. Cũng nên nhớ rằng, khi mang thai thì bất kỳ món ăn thức uống nào khi đưa vào cơ thể đều có ảnh hưởng nhất định đến thai nhi. Cần ăn nhiều chất đạm để giúp phát triển tế bào và tạo máu, nguồn cung cấp là thịt động vật, cá, lòng trắng trứng… Cần nhiều carbon hydrates để cung cấp năng lượng cho hoạt động của tế bào, nguồn cung cấp chính từ ngũ cốc, khoai tây, trái cây bánh mì… Cần đủ lượng canxi để giúp xương chắc khỏe, thiếu canxi dễ dẫn đến còi xương và hư răng nguồn cung cấp dồi dào từ sữa, phô mai, sữa chua, cá hồi, rau cải… Sắt góp phần sản xuất hồng cầu, ngăn ngừa thiếu máu. Cần bổ sung khoảng 60mg sắt mỗi ngày, trong thời gian mang thai và một tháng sau sinh. Sắt có nhiều trong thịt có màu đỏ, cá, trứng, vừng, rau, đậu…Vitamin A đem lại cho làn da khỏe, mắt sáng, giúp xương phát triển, nguồn cung cấp có nhiều trong cà rốt, gan cá thu.. Vitamin C giúp răng lợi xương chắc khỏe, đẩy mạnh quá trình hấp thu sắt. Vitamin C có nhiều trong trái cây có múi, bông cải, khoai tây… Vitamin B6 - B12 giúp hình thành tế bào máu, duy trì hoạt động thần kinh, tác động hấp thu protein, chất béo và cabohydrates, nguồn cung cấp chủ yếu có trong thịt động vật, sữa, trái cây… Vitamin D giúp xương và răng chắc khỏe, giúp hấp thu canxi.Nếu thiếu trẻ dễ bị còi xương, dễ hư thai. Vitamin D có nhiều trong sữa, ngũ cốc và bánh mì; acid folic giúp sản xuất ra máu và protein, kích thích hoạt động của các enzyme, nguồn cung cấp từ rau xanh, đậu, trái cây có màu vàng đậm… Chất béo là chất không thể thiếu trong quá trình hình thành tế bào não và hoạt động của hệ thần kinh, dự trữ năng lượng, nguồn cung cấp từ thịt động vật, bơ sữa, dầu ăn…
Về khám định kỳ, mỗi tháng nên khám một lần tại phòng khám sản, kiểm tra huyết áp. Đặc biệt, cần theo dõi có tình trạng phù ở chân, tình trạng tăng trưởng của thai nhi. Từ tháng thứ 5 cần chích ngừa 2 mũi vắcxin, cách nhau 1 tháng để phòng uốn ván rốn sau khi sinh. Cần siêu âm kiểm tra thai nhi ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ, qua đó có thể theo dõi được tình trạng thai nhi.
Người mẹ phải biết theo dõi chiều cao của dạ con phát triển có phù hợp với tuổi thai hay không. Ví dụ: một thai có chiều cao dạ con đo từ xương mu đến rốn có chiều cao 28cm tức là thai ở vào khoảng tháng thứ 8 của thai kỳ hay chiều cao dạ con gần ngày sinh là 30cm, nếu chỉ đo được khoảng 26 - 27cm hoặc nhỏ hơn thì phải nghĩ đến thai bị suy dinh dưỡng, để khắc phục tình trạng suy dưỡng bào thai về phía mẹ cần được ăn no, đủ chất, bổ sung lượng sắt để chống thiếu máu. Ngoài chế độ dinh dưỡng, người mẹ cần lao động, nghỉ ngơi hợp lý, tránh mọi lo âu phiền muộn, không uống rượu bia, hút thuốc lá lúc mang thai. Việc sinh hoạt tình dục trong thai kỳ nói chung thường không ảnh hưởng gì đến thai nhi. Tuy nhiên, do tâm lý sợ làm tổn thương đến em bé nên thường sẽ không thấy thoải mái, để không ảnh hưởng đến thai nhi. Sinh hoạt tình dục trong thai kỳ cũng cần có những tư thế và kiểu cách riêng, nếu thai đã lớn thường sinh hoạt ở tư thế nằm nghiêng, ái ân nhẹ nhàng, âu yếm vuốt ve đến khi cả 2 đều thỏa mãn.
Cần siêu âm kiểm tra thai nhi ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ
Về tập vận động, do trong thai kỳ có những thay đổi lớn về hệ cơ xương, cơ thẳng bụng bị giãn ra, đau thắt lưng do tư thế, giãn tĩnh mạch chân, rối loạn chức năng đáy chậu. Trước khi tập phải khởi động nhẹ nhàng. Trong quá trình tập không nên để nhịp tim vượt quá 90 - 100 lần/ phút và không nên kéo dài quá 15 phút. Phải theo dõi nhịp mạch thường xuyên, đứng lên ngồi xuống thật từ từ để tránh giảm huyết áp. Liên tục nghỉ giải lao để uống nước. Trước khi tập phải đi tiểu, bàng quang đầy sẽ làm tăng sức ép lên đáy chậu vốn bị yếu sẵn. Nếu có thai từ tháng thứ 4 trở đi không nên kéo dài tư thế nằm ngửa quá 5 phút để tránh tĩnh mạch chủ bị tử cung đè lên. Khi nằm ngửa nên cuộn khăn kê dưới mông phải để sản phụ hơi nghiêng về phía bên trái, như vậy sẽ làm giảm sự chèn ép của tử cung lên các mạch bụng và tăng hiệu suất của tim.
Một số bài tập
Cần thực hiện một số bài tập để khắc phục tình trạng mệt mỏi do quá trình mang thai.
Bài tập điều trị giãn cơ thẳng bụng: sản phụ nằm ngửa chống 2 chân, 2 tay bắt chéo qua đường giữa thân, ôm lấy vùng cơ thẳng bụng, khi thở ra tự nhấc đầu lên khỏi nệm, lấy 2 tay nhẹ nhàng dồn các cơ thẳng về đường giữa thân sau đó từ từ hạ xuống và thư giãn.
Bài tập cho cơ đáy chậu: sản phụ lúc đầu thì nằm ngửa, nằm nghiêng, rồi từ từ ngồi hoặc đứng dậy, co cơ đáy chậu giống như nhịn tiểu, giữ từ 3 - 5 giây. Sau đó, thư giãn, khi thực hiện bài tập này cần phải đi tiểu, các cơ đáy chậu rất nhanh mỏi nên mỗi lần co cơ không nên quá 5 giây và không nên quá 10 lần 1 lượt tập.
Bài tập cho tay và chân: sản phụ đứng quay mặt vào tường cách tường 1 cánh tay, 2 chân bằng vai, lòng bàn tay chống vào tường và cao ngang vai.Sản phụ từ từ gập khuỷu tay lại đưa mặt mình sát vào tường, sau đó lại chống tay lên đưa người trở về vị thế ban đầu. Tập duỗi hông hay còn gọi bài tập bắc cầu bằng cách sản phụ nằm ngửa chống 2 chân nhấc mông lên, quỳ chống 2 tay, 2 đầu gối và đưa thẳng chân lên, sau đó hạ xuống và tiếp tục với chân kia. Với bài tập này cần tránh sự quá tải của khớp cùng chậu và dây chằng.
Các bài tập giúp thai phụ giảm mệt mỏi, dễ sinh
Bài tập xương bả vai: với tư thế sản phụ ngồi, 2 tay gập ngang vai khép vào đường giữa thân, từ từ dang ngang 2 tay ra sau, kéo 2 xương bả vai lại gần nhau. Sau đó lại đưa 2 tay về tư thế ban đầu.
Bài tập tăng cường chức năng khung chậu: sản phụ nằm ngửa chống chân sau đó xoay hông chầm chậm từ trái sang phải, giữ cho cử động mềm mại rồi xoay hông ngược lại từ phải sang trái.
Các bài tập nhằm chuẩn bị cho việc sinh: tư thế sản phụ nằm ở tư thế thoải mái co duỗi nhẹ nhàng các cơ bàn chân sau đó đến cẳng chân, đùi, đáy chậu và mông, kết hợp hít thở sâu và chậm trong khi tập. Tập tư thế ngồi xổm, cách tập này có tác dụng với chân và hông đồng thời tạo cơ học cơ thể tốt phục vụ cho cuộc sinh đẻ. Tập nằm ngửa - nằm nghiêng hoặc ngồi trên ghế thấp sau đó nâng lên mức độ khó hơn là đứng. Nếu sản phụ có vấn đề ở đầu gối chỉ nên tập hạn chế hoặc có xà đỡ.
Không thực hiện các bài tập trên cho các trường hợp sản phụ có hở eo tử cung, cổ tử cung mở sớm, nhau bám thấp, sản phụ bệnh tim, tăng huyết áp hay đái tháo đường.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG - Suckhoedoisong.vn