Tình trạng ít sữa hay mất sữa khiến không ít bà mẹ lo lắng. Một vài lời khuyên đơn giản nhưng hiệu quả dưới đây sẽ giúp các mẹ dồi dào sữa cho con.
Tiết sữa là một quá trình phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng nội tiết tố và tâm lý của người mẹ cũng như tần số cho con bú. Khoảng 90% các bà mẹ có khả năng sản xuất đủ sữa cho con, kể cả bà mẹ sinh đôi. Đa số các trường hợp thiếu sữa chỉ là do con bú không đúng cách và cho bú không thường xuyên.
Dưới đây là những việc làm đơn giản giúp các mẹ gia tăng được nguồn sữa:
1. Chú ý tần suất cho con bú
Ăn uống đầy đủ là quan trọng nhưng nếu các mẹ không cho con bú thường xuyên thì cũng không kích thích tạo sữa được. Để có sữa cho trẻ bú, ngay từ lúc sinh, người mẹ nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt trong vòng vài giờ đầu sau khi sinh, có thể lúc này sữa mẹ rất ít, chỉ chừng vài ml, nhưng trong những ngày đầu chỉ chừng đó sữa đã đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ rồi. Đồng thời tác động mút vú sớm của ngay sau khi sinh sẽ giúp cho sự tạo sữa bắt đầu.
2. Thời gian cho bú
Cho con bú cạn cả bầu vú và nếu lượng sữa không đủ cho bé thì mẹ tiếp tục cho bé bú tiếp bầu vú còn lại. Trong trường hợp mẹ có cảm giác là mình không đủ sữa do trẻ quấy khóc hoặc không có cảm giác xuống sữa thì cũng đừng quá lo lắng. Mẹ hãy cho con bú theo nhu cầu của bé. Có một điều các bà mẹ trẻ ít ngờ tới là một bầu vú “rỗng” sẽ giúp kích thích sản xuất sữa nhiều hơn. Mẹ chỉ thực sự thiếu sữa khi trẻ có biểu hiện tăng cân ít, dưới 500g/tháng hoặc trẻ đi tiểu ít, số lần đi tiểu ít hơn 6 lần/ngày.
3. Chế độ ăn uống
Sau khi sinh điều quan trọng nhất là mẹ luôn phải ăn những đồ nóng sốt: cơm nóng, canh nóng… Người mẹ nên ăn nhiều thức ăn chứa nhiều protein, kết hợp với ăn rau xanh và hoa quả tươi để đảm bảo lượng vitamin cần thiết.
Ngoài 3 bữa chính, những bà mẹ đang cho con bú nên ăn thêm 3 bữa phụ bằng các đồ ăn nhẹ có tác dụng lợi sữa. Ngoài ra, mẹ có thể uống thêm sữa nóng hàng ngày, uống nhiều nước và nước phải ấm để tăng tiết sữa.
4. Cách ngậm vú và tư thế cho con bú
Nhiều bà mẹ sẽ rất bất ngờ khi biết rằng cách ngậm vú và tư thế cho con bú lại có thể ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Khi bú mẹ, miệng trẻ cần há to, môi dưới cong ra ngoài và cằm chạm vào vú mẹ để ngậm được cả quầng vú chứ không phải chỉ ngậm núm vú.
Bên cạnh đó, tư thế nằm của trẻ khi bú mẹ cũng ảnh hưởng tới việc sản xuất sữa. Khi cho trẻ bú mẹ thì đầu, thân mình và mông trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng và phải được nâng đỡ, đồng thời bụng bé phải áp sát với bụng mẹ, mặt trẻ phải đối diện với vú mẹ. Khi trẻ ngậm bắt vú đúng cách thì mẹ sẽ cảm thấy không đau ở đầu vú và thấy “rần rần” khi sữa xuống, trẻ nuốt sữa nghe ừng ực và tự nhả vú khi bú xong với vẻ hài lòng, thỏa mãn.
Khi trẻ ngậm vú không đúng cách sẽ gây ra hàng loạt hậu quả. Trước tiên là bà mẹ sẽ bị đau núm vú do trẻ chỉ bú núm mà không ngậm cả quầng vú, nếu đau núm vú kéo dài sẽ gây tổn thương núm vú, trẻ không bú sữa sẽ quấy nhiều hơn và sữa thì ứ lại gây cương tức vú. Sữa ứ đọng do không được bú có thế khiến việc tạo sữa ít hơn, dần dần mất sữa.
5. Không làm việc quá sức
Bản thân bạn đừng cố gắng để làm tất cả mọi thứ cho con. Bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ từ gia đình hoặc thuê một người giúp việc để san sẻ bớt mọi việc, như thế bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Điều quan trọng là tâm trạng các mẹ phải luôn thoải mái, vui vẻ, ngủ đủ và sâu giấc, nghỉ ngơi hoàn toàn trong thời gian đầu mới sinh.
Nhiều mẹ thấy con quấy khóc, chưa có kinh nghiệm sinh con dễ stress sau khi sinh. Đừng để mình rơi vào tình trạng lo lắng, căng thẳng bởi hormon tiết sữa bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tâm lý.
6. Đừng lạm dụng bú bình
Các mẹ nên biết là kích thước núm vú của bình sữa và người mẹ không giống nhau. Thêm vào đó, cách bú sữa từ bình rất khác với bú sữa từ vú mẹ, với bình sữa trẻ chỉ cần mút nhẹ là sữa đã ra rất nhiều. Nếu trẻ quen bú bình, quen với mức độ chảy sữa dồi dào từ bình thì chúng sẽ từ chối bú mẹ hoặc quấy khóc khi bú mẹ. Lâu dần bé sẽ không thích bú mẹ và số lần cho con bú giảm đi cũng đồng nghĩa với việc sữa sẽ không về nhiều.
Nguồn: Theo Tri thức trẻ