Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất phòng tránh tử vong, cải thiện chiều cao và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng hưởng được niềm hạnh phúc này. Một nghiên cứu mới đây của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy do điều kiện làm việc, có đến 83% nữ công nhân (CN) không thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn. Trước thực trạng trên, từ đầu năm 2012, Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp cùng Alive & Thrive (Tổ chức Nuôi dưỡng và Phát triển) lắp đặt 40 ca-bin sữa dành cho nữ CN đang nuôi con nhỏ trong các doanh nghiệp (DN) có đông lao động.
An tâm làm việc
Ca-bin sữa tại Công ty Vinh Tiến (huyện Bình Chánh, TP HCM) được lắp đặt trong xưởng may nên rất thuận tiện cho nữ CN. Nữ CN có thể ghé vào ca-bin bất cứ lúc nào để vắt sữa trữ mang về cho con.
“Biết nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là tốt cho bé nhưng nhà xa nên tôi không thể về cho con bú. Nhiều lúc vào nhà vệ sinh vắt sữa bỏ đi, rồi nghĩ đến cảnh con thơ ở nhà khát sữa, tôi đứt cả ruột” - nữ CN Trương Thị Nhi tâm sự. Đó là chuyện trước đây. Còn giờ, từ khi có ca-bin sữa, chị Nhi và nhiều đồng nghiệp có con nhỏ rất vui. Dù đi làm hằng ngày nhưng con của họ vẫn được bú sữa mẹ.
Công nhân Công ty Vinh Tiến, huyện Bình Chánh, TP HCM chờ vắt sữa ở cabin
Vui không kém là chị Ngô Thị Mỹ Chi, quê huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nhà cách công ty 1 giờ đi xe máy nên từ khi Chi đi làm trở lại, con chị phải bú thêm sữa ngoài. Từ khi có ca-bin, chị có thể vắt sữa trữ vào tủ lạnh, đến chiều lấy mang về cho con.
“Buổi tối, con có thể bú mẹ trực tiếp. Ban ngày, bà nội chỉ việc lấy sữa trong tủ lạnh ra hâm nóng rồi cho bé bú. Từ ngày được bú sữa mẹ, cháu tăng cân tốt và không còn ốm vặt nữa. Vợ chồng tôi còn tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng tiền mua sữa cho con, một khoản không nhỏ đối với 2 người cùng làm CN” - chị Chi phấn khởi.
Thiết thực, tiện lợi
Những chiếc ca-bin sữa mẹ được lắp đặt tại các DN là một hình trụ vuông với diện tích 4 - 5 m2. Ngoài một tủ lạnh để bảo quản sữa, ca-bin còn bố trí ghế ngồi để chị em thư giãn và vắt sữa một cách kín đáo. Ca-bin còn có bảng hướng dẫn chị em các thao tác vắt, bảo quản và trữ sữa. Việc vắt sữa được hỗ trợ bằng bộ dụng cụ chuyên dụng nên bảo đảm vệ sinh.
Hằng ngày, nữ CN chỉ cần mang theo bình để trữ sữa, bỏ vào ngăn lạnh (được cài đặt chế độ chuẩn), sau giờ làm việc có thể đem về nhà cho con bú. Nếu để ngăn mát, sữa mẹ có thể dùng được 3 ngày, còn bảo quản trong ngăn đá thì thời gian sử dụng lên đến 6 tháng.
Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: “Theo tính toán, nếu không được bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ phải dùng thêm sữa công thức, hằng tháng CN phải chi thêm 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Được bú sữa mẹ sẽ giúp các bé có khởi đầu tốt, trở thành những công dân khỏe mạnh và thông minh. Quan trọng hơn là nữ CN giảm được chi tiêu trong thời buổi khó khăn”.
Là một trong nhiều DN được chọn lắp đặt ca-bin sữa cho CN, Công ty May Việt Thắng, quận Thủ Đức, TP HCM hưởng ứng rất tích cực chương trình này. Ngoài tủ lạnh, dụng cụ hút sữa, ghế ngồi, Công đoàn công ty còn trang bị thêm bình thủy và khăn lau tay cho chị em.
“Trước đây, CN có con nhỏ thường phải tranh thủ về nhà buổi trưa hoặc về sớm 1 giờ để cho con bú. Từ khi có ca-bin trữ sữa, chị em có thể an tâm làm việc, không còn lo lắng như trước. Với DN có 1.248 lao động nữ, mỗi tháng 70 nữ CN sinh con như Việt Thắng thì việc có một ca-bin trữ sữa rất ý nghĩa” - bà Đoàn Minh Hoa, Chủ tịch CĐ Công ty May Việt Thắng, nhìn nhận.
Nhân rộng mô hình Mỗi năm, Việt Nam phải chi khoảng 208 tỉ đồng cho khám, chữa các bệnh do nuôi dưỡng trẻ nhỏ kém. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, các bà mẹ có thể tiết kiệm hơn 11.000 tỉ đồng từ việc không chi tiêu cho các sản phẩm thay thế. Vì vậy, từ hiệu quả ban đầu của 40 ca-bin sữa lắp đặt tại các DN, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ nhân rộng mô hình này. “Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ không chỉ tiết kiệm cho CN mà còn có lợi cho DN bởi sữa mẹ giúp trẻ tăng sức đề kháng nên mẹ ít phải xin nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con” - bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận xét. |
Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO