Khi trẻ đến độ tuổi “đi lớp”, đa phần các bé sẽ được hướng dẫn/ tập luyện nâng cao thể chất thông qua các hoạt động trong môi trường mầm non, mẫu giáo….Tuy nhiên, việc massage – xoa bóp đúng cách của cha mẹ tại nhà sẽ có tác dụng vô cùng tích cực với sức khỏe của bé, đặc biệt là ở giai đoạn nhũ nhi.
Theo thạc sỹ, bác sỹ Dương Văn Tâm, việc mas-sage, thực hiện các thao tác xoa bóp nhẹ nhàng và đúng cách sẽ giúp lưu thông khí huyết, tăng cường phản xạ cơ bắp, hỗ trợ hệ tuần hoàn của bé, đồng thời, giúp bé cảm nhận nhiều hơn mối liên hệ tình cảm với cha mẹ. Hiệu quả của quá trình này thể hiện ở việc bé ăn ngủ tốt, nâng cao sức khỏe và phòng ngừa một số bệnh hay mắc ở trẻ nhỏ như: suy dinh dưỡng kém ăn, hen phế quản, viêm mũi dị ứng…
Dưới đây là một số động tác xoa bóp theo y học cổ truyền và tác dụng cụ thể đối với sức khỏe của trẻ.
Những yêu cầu khi làm xoa bóp cho trẻ
Cha mẹ cần rửa sạch tay, cắt ngắn móng tay, có thể dùng bột phấn rôm xoa tay.
Nên kết hợp với cử chỉ, lời nói, ngữ điệu nhẹ nhàng, âu yếm dỗ dành trẻ, hoặc vừa làm vừa hát ru cho trẻ nghe.
Chọn thời điểm phù hợp theo thói quen của trẻ (đôi khi phải kết hợp lúc trẻ đang ngồi yên xem ti vi, hay đang mải chơi đồ chơi yêu thích hoặc nằm yên lúc cơn buồn ngủ, khi đang được ru ngủ…)
Tư thế nào, động tác đó
Người xoa bóp cho trẻ cần phải chủ động lựa theo tư thế đang có của trẻ để tiến hành bài xoa bóp với bộ phận thích hợp. Ví dụ, khi trẻ nằm ngửa thì xoa bóp mặt, ngực, bụng, tay, chân; Khi trẻ đang ngồi thì có thể xoa bóp đầu, vai, tay, chân; Khi trẻ nằm sấp thì tiến hành xoa bóp lưng, gáy, cổ tay, chân.
Các động tác cần nhẹ nhàng, êm ái với lực tác động vừa đủ, tăng/ giảm lực từ từ, tránh đột ngột, không gây đau đớn, khó chịu cho trẻ. Các động tác nhẹ nhàng sẽ có tác dụng an thần, làm cơ khớp thư giãn, toàn thân dễ chịu. Đặc biệt lưu ý để điều chỉnh độ xoa bóp với trẻ nhũ nhi, tránh làm các bé bị thương hoặc “ác cảm” với hình thức chăm sóc này.
CÁC ĐỘNG TÁC CỤ THỂ
1. Xoa bóp vùng đầu mặt
Những động tác xoa bóp vùng đầu mặt có tác dụng làm cho dương khí trong người thăng lên, khí huyết lưu thông, điều hòa kinh mạch, làm mạch công năng tạng phủ. Mỗi động tác làm lặp đi lặp lại 10 lần.
Dùng mười đầu ngón tay vuốt tóc từ trán ra sau gáy trẻ và ngược lại, làm như gội đầu.
Áp cả hai lòng bàn tay vào hai bên đầu trẻ, ép với lực vừa phải tăng dần.
Hai tay để hai bên đầu trẻ, xoa theo đường vòng tròn.
Đỡ tay ôm gáy cổ trẻ và xoa bóp gáy.
Hai ngón tay cái để vào giữa trán của trẻ rồi miệt đều ra hai bên.
Hai ngón tay cái và trỏ véo nhẹ lông mày của trẻ từ trong ra ngoài.
Miết hai ngón tay cái từ khoảng giữa hai cung lông mày xuống dọc hai bên sống mũi, vòng theo hai rãnh mũi má xuống đến cằm trẻ.
Xoa nóng hai bàn tay rồi úp lên hai tai trẻ, ấn nhẹ. Xoa tròn nhẹ nhàng cho vành tai ấm hồng lên là được.
2. Xoa bóp vùng ngực bụng
Tác dụng của những động tác xoa bóp vùng ngực bụng là điều chỉnh và tăng cường công năng các tạng phủ trong khu vực ngực, bụng. Mỗi động tác lặp lại động động tác 10 lần.
Hai bàn tay đặt áp lên ngực trẻ, ấn với lực vừa phải, vừa xoa tròn từ trong xương ức ra phái hai bên nách, chuyển xuống xoa vuốt hai bên sườn ngực từ trước ra sau.
Đặt áp một bàn tay lên bụng trẻ, xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ từ hố chậu phải lên mũi ức rồi xuống hố chậu trái trong một phút sao cho da bụng trẻ hồng, vùng bụng ấm lên là được.
Một ngón t ay miết từ xương mu trẻ lên trên theo đường giữa bụng, qua rốn, lên chính giữa xương ức. Có thể phối hợp vừa xoa vuốt với rung nhẹ.
3. Xoa bóp vùng lưng.
Những động tác xoa bóp này sẽ giúp trẻ tăng cường sinh lực, bồi bổ nguyên khí, tinh lực dồi dào, phòng chữa các bệnh ở tạng phủ. Thực hiện mỗi động tác 10 lần.
Áp lòng bàn tay lên da lưng trẻ, xoa tròn dọc theo hai bên cơ lưng từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.
Dùng hai ngón tay cái vừa day vừa miết nhẹ hai bên cạnh cột sống từ trên xuống dưới.
Dùng ngón tay cái và đốt thứ ba của các ngón còn lại kẹp da vùng lưng trẻ, kéo da lên và đẩy da liên tiếp từ dưới xương chậu lên trên cổ vai, sao cho da trẻ như luôn bị cuộn nhẹ giữa các ngón tay mình.
4. Xoa bóp tay chân
Các động tác xoa bóp tay chân có tác dụng làm cho kinh lạc của trẻ thông suốt, khí huyết điều hòa. Thực hiện mỗi động tác 10 lần.
Tay trái cầm bàn tay trẻ, tay phải vừa xoa vừa nhào bóp từ trên vai xuống đến bàn tay của trẻ và ngược lại. Tương tự với hai chân từ đùi xuống bàn chân trẻ và ngược lại.
Tay trái cầm bàn tay trẻ, tay phải vừa xát vừa miết các đầu ngón tay từ trên vai xuống đến bàn tay trẻ và ngược lại. Tương tự với hai chân từ đùi xuống bàn chân của trẻ và ngược lại.
Xoa xát lòng bàn chân trẻ, dùng ngón tay cái day xoa vùng lõm giữa hai lòng bàn chân trẻ.
Đoàn Linh – Cẩm nang phòng bệnh chủ động – Nhà xuất bản thể dục thể thao.