Có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu kẽm, ở Việt Nam tỷ lệ thiếu kẽm khoảng 25 - 40%. Học sinh từ 11 - 17 tuổi tại Hà Nam có khoảng 26,5% trẻ có kẽm huyết thanh thấp. Trẻ bị suy dinh dưỡng và tiêu chảy kéo dài vào viện tại hai thành phố lớn tỷ lệ thiếu kẽm rất cao 50% - 90%. Bổ sung kẽm giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong trên 50% - đây là các số liệu nghiên cứu được PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đưa ra.
Tình hình thiếu kẽm trên Thế giới và Việt Nam
Trong những năm gần đây tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em là vấn đề sức khỏe cộng đồng đang được quan tâm ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu kẽm và một tỷ lệ lớn trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị thiếu kẽm. Tại Việt Nam, đánh giá tỷ lệ thiếu kẽm trên trẻ em tại cộng đồng dựa vào nồng độ kẽm huyết thanh thấp (< 10,7 µmol/L) dao động trong khoảng 25 - 40% tùy theo địa phương và nhóm tuổi nghiên cứu. Một nghiên cứu trên học sinh từ 11 - 17 tuổi tại vùng nông thôn tỉnh Hà Nam, kết quả cho thấy có khoảng 26,5% trẻ có mức kẽm huyết thanh thấp. Nhiều nghiên cứu trên trẻ em bị suy dinh dưỡng (SDD) và tiêu chảy kéo dài vào viện tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm huyết thanh còn rất cao, vào khoảng 50% - 90% tùy theo mức độ và thời gian SDD, tiêu chảy. Theo điều tra về tình hình thiếu vi chất năm 2010 trên 586 trẻ (6 tháng - 75 tháng) tại Việt Nam kết quả cũng cho thất tỷ lệ thiếu kẽm là 51,9%. Nhóm trẻ nhỏ nhất (6 - 17 tháng) có nguy cơ bị thiếu kẽm cao nhất khi so sánh với các nhóm tuổi khác.
Vai trò của kẽm đối với tăng trưởng, miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh
Kẽm cần cho tăng trưởng, ngăn ngừa SDD thấp còi:
- Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym của cơ thể. Là chất xúc tác không thể thiếu được của ARN - polymerasa, có vai trò quan trọng trong quá trình nhân đôi AND và tổng hợp protein. Do đó kẽm giúp tăng phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Vì vậy nếu thiếu kẽm, sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra bình thường nên ảnh hưởng trầm trọng tới sự tăng trưởng, gây ra suy dinh dưỡng thấp còi. Ngoài ra, kẽm còn tham gia vào quá trình sinh tổng hợp và điều hòa chức năng của trục hormone dưới đồi như: GH (Growth hormone), IGF-I là những hormone tăng trưởng và kích thích tăng trưởng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy kẽm có vai trò thúc đẩy tăng trưởng thông qua IGF-I.
- Bên cạnh đó kẽm còn giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Trẻ em biếng ăn sẽ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển.
Đối với miễn dịch: Kẽm còn giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào T, tế bào B và đại thực bào. Trên chuột bị thiếu kẽm còn thấy thiểu sản lách, tuyến ức và giảm sản xuất các globulin miễn dịch, bao gồm cả IgA, IgM và IgG. Hiện tượng hoạt hóa đại thực bào và hiện tượng thực bào bị suy giảm cũng được nhận thấy ở cả súc vật thí nghiệm và trẻ em bị thiếu kẽm. Do đó thiếu kẽm làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị SDD và tử vong ở trẻ.
Thiếu kẽm ảnh hưởng xấu đến tinh thần: Không chỉ có tác dụng với thể chất, tình trạng thiếu kẽm còn ảnh hưởng xấu đến tinh thần, làm dễ nổi cáu. Nguyên nhân do kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, mà canxi là một trong những chất quan trọng giúp ổn định thần kinh.
Thiếu kẽm trẻ dễ mắc bệnh tự kỷ: Một nghiên cứu của Nhật Bản vừa cho biết, sau khi tìm thấy số lớn các trẻ mắc tự kỷ và những bệnh liên quan như hội chứng Asperger đều thiếu vi chất này. Theo madeformums, tự kỷ và các hội chứng liên quan ngày càng được biết đến nhiều hơn. Chỉ riêng tại Anh, số trẻ mắc hội chứng này lên đến hơn 1% (cao gấp 10 lần so với 30 năm trước), tuy vậy, căn nguyên bệnh vẫn còn rất mơ hồ với các nhà khoa học.
Trong nghiên cứu mới đây nhất, nhóm nghiên cứu ở Tokyo đo hàm lượng kẽm trong tóc của gần 2.000 trẻ mắc tự kỷ và các chứng bệnh liên quan. Kết quả cho thấy có "mối liên hệ đáng kể" giữa hội chứng này với tình trạng thiếu kẽm, đặc biệt trong nhóm trẻ ít tuổi nhất.
Nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy cấp: Kẽm giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật do thúc đẩy các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, làm lành vết thương. Việc thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, khiến ta dễ bị nhiễm trùng, tăng nguy cơ tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, sốt rét...
Bổ sung kẽm cho trẻ bị SDD thấp còi có tác dụng phục hồi rõ rệt cả về tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng, làm tăng nồng độ hormon tăng trưởng IGF-1. Theo nghiên cứu của Castillo - Duran, việc bổ sung kẽm cho trẻ có cân nặng sơ sinh thấp cho thấy có sự tăng trưởng tốt cả về chiều cao và cân nặng trong 6 tháng đầu đời. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy bổ sung kẽm giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong trên 50%.
Dấu hiệu của thiếu kẽm: Đối với trẻ nhỏ, dấu hiệu thường thấy là ăn không ngon, chán ăn, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành. Thiếu kẽm cũng gây ra sụt cân, thiếu máu, chậm lành vết thương và kém minh mẫn. Dấu hiệu sinh hóa của tình trạng thiếu kẽm bao gồm giảm nồng độ kẽm trong huyết thanh (< 70 mcg/dl hay <10.7 micromol/L), giảm alkaline phosphatase, alcohol dehydrogenase trong võng mạc, giảm testosterone trong huyết tương và suy giảm chức năng hoạt động của tế bào lymphô T, giảm tổng hợp collagen dẫn tới vết thương lâu liền và giảm hoạt động của RNA polymerase.
Nhu cầu của kẽm và hấp thu kẽm trong cơ thể: Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ.
Phòng chống thiếu kẽm cho trẻ em:
- Lựa chọn thực phẩm có nhiều kẽm: Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..), giá đỗ cũng giàu kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2 - 3 mg/lít), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9 mg/l. Lượng kẽm mà người mẹ mất qua sữa trong 3 tháng đầu ước tính khoảng 1,4 mg/ngày. Do đó, các mẹ nên thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và kéo dài tới 2 tuổi; người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để có đủ cho cả hai mẹ con.
- Chọn các thực phẩm có bổ sung kẽm: Sữa công thức, bột dinh dưỡng, bánh Bích quy, bánh cho trẻ em…
- Bổ sung kẽm: Chọn các sản phẩm có kẽm dưới các dạng sirô, dạng cốm kẽm, hay dạng cốm/sirô đa vi chất dinh dưỡng có chứa kẽm…nhất là khi trẻ bị tiêu chảy, hay nhiễm khuẩn hô hấp – các giai đoạn trẻ bị bệnh trên, trẻ cần nhu cầu kẽm cao hơn bình thường. PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng – Viện Dinh dưỡng