Ép trẻ ăn không chỉ làm trẻ có tâm lý sợ ăn mà còn dễ có biến chứng như chậm lớn, không tăng cân, còi cọc.
Rối loạn phát triển
GS.TS Hoàng Trọng Kim - PCT Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở những trẻ bị ép ăn ngày càng tăng. Trẻ "sợ ăn" do bị ép, lâu dần thành biếng ăn.
Trẻ biếng ăn có các biểu hiện: Ăn rất ít, chỉ ưa thích một vài loại thức ăn nhất định, mỗi bữa ăn của bé thường kéo dài trên 30 phút hay quấy nhiễu trong giờ ăn như kêu khóc, ngậm miệng, ngậm thức ăn; cân nặng thấp...
GS Kim nhấn mạnh, trẻ biếng ăn thường ngại tiếp xúc với cái mới, dễ bị bệnh tự kỷ, chậm nói vì không chịu nhai, không mở miệng. Sợ ăn kéo dài đồng nghĩa với việc trẻ bị stress kéo dài, gây ảnh hưởng đến phát triển tâm lý sau này như chậm phát triển, rối loạn tăng trưởng, dễ mắc các bệnh mạn tính, không hứng thú trong học tập, vui chơi.
BS Nguyễn Thị Diệu, Khoa Dinh dưỡng, BV Nhi TƯ cho hay, nhiều trẻ sợ ăn uống đến mức nhịn suốt hai ngày. Bố mẹ sợ con đói nên ép con ăn bằng mọi cách, thậm chí bóp miệng để đưa thực phẩm vào, quát mắng, đánh con... Hành động thô bạo này càng tạo thêm sự căng thẳng, làm cho trẻ càng sợ ăn nặng hơn, vì trẻ nghĩ rằng cứ đến bữa ăn là sẽ bị la, bị đánh. Lâu dần trẻ sẽ mắc bệnh biếng ăn tâm lý.
Ngay cả khi ép được con ăn theo ý muốn thì trẻ cũng không thể phát triển tốt. Trẻ bị ức chế nên không tiết được đầy đủ các men tiêu hóa, hấp thu tốt thức ăn. Hơn nữa, sự căng thẳng trong bữa ăn còn làm trẻ luôn bị ám ảnh, ngủ không ngon giấc.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để trẻ không bị suy dinh dưỡng vì sợ ăn cần giúp trẻ học cách ăn. Cho trẻ biết cảm giác đói bằng cách không ăn trong vòng 3 - 4 tiếng trước khi ăn. Không kéo dài bữa ăn hàng giờ, dù trẻ ăn được hay khó ăn thì bữa ăn hợp lý nhất là 20 - 30 phút. Khi ăn, không để trẻ xem tivi, hay chơi đồ chơi vì sẽ làm trẻ không chú tâm đến bữa ăn.
Kích thích trẻ thèm ăn
BS Nguyễn Thị Diệu cho biết, cha mẹ cần có những xử trí thích hợp với chứng chán "sợ ăn" này ở trẻ. Kích thích trẻ ăn bằng các loại thực phẩm chế biến đúng cách, thường xuyên thay đổi món ăn nên cắt nhỏ để trợ giúp cho việc nhai.
Nhiều bà mẹ thường nghĩ phải nấu thức ăn thật nhừ, nhưng việc nấu quá kỹ khiến rau quả mất hết vitamin. Khi chế biến nên hầm thịt, cá cho nhừ, các loại rau củ chỉ nên cho vào trước khi đem ra cho trẻ ăn.
GS Kim cho biết, muốn bảo đảm dinh dưỡng thì phải cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thức ăn: Đạm, mỡ, đường, sinh tố, khoáng chất và vi chất với thành phần cân đối. Nếu cha mẹ đã cố gắng nhưng trẻ vẫn không ăn được nhiều, thì nên cho trẻ uống thêm sữa. Mỗi ngày, trẻ chỉ cần cung cấp cho cơ thể 226g sữa chua có nghĩa là đã bổ sung 20% lượng protein cần thiết và 30% - 40% nhu cầu canxi cho cơ thể - giúp trẻ tăng trưởng chiều cao.
GS Hoàng Trọng Kim nhấn mạnh, với những trẻ suy dinh dưỡng do biếng ăn, thức ăn phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Trẻ nhỏ chưa đủ răng phải chọn thức ăn loãng, trẻ lớn đủ răng chỉ thích thức ăn cứng để nhai như người lớn. Trẻ biếng ăn cũng có thể do mải chơi, hiếu động. Với trẻ này nên khéo léo xử trí. Lúc đầu, có thể cho phép trẻ vui chơi khi ăn, nhưng dần dần tập cho trẻ tập trung vào bữa ăn thì hệ tiêu hóa mới tiết ra đầy đủ các dịch tiêu hóa, tạo sự ngon miệng...
Trẻ biếng ăn lâu ngày cần đưa đi khám, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán, tìm nguyên nhân và phân loại biếng ăn để có hướng điều trị phù hợp.
Nguồn: Giadinh.net