Người lớn cũng là đối tượng tấn công của bệnh thủy đậu, nhất là phụ nữ mang thai. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ em.
Thời gian gần đây, ở nước ta, bệnh thủy đậu có chiều hướng gia tăng nhanh và có diễn biến khó lường. Nhất là trong điều kiện thời tiết đang ẩm thấp, là cơ hội cho các loại virut phát triển và phát tán nhanh chóng, trong đó có virut Varicella zoster gây bệnh thủy đậu. Bệnh thủy đậu là một bệnh dễ lây và phổ biến ở trẻ, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi... Tuy nhiên, giới y học mới đưa ra khuyến cáo, người lớn cũng là đối tượng tấn công của bệnh thủy đậu, nhất là phụ nữ mang thai. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ em.
Bệnh thủy đậu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Khi người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho... thì virut theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi này sẽ bị lây bệnh, vì vậy bệnh dễ bùng phát thành dịch. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi virut xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10 - 20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm virut (mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và ngứa, chán ăn...). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những nốt ban đỏ có đường kính vài milimet bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Sau đó, các nốt ban phát triển thành các nốt phỏng có dịch nước bên trong rồi đục dần, có mủ và sau 8 - 10 tiếng thì vỡ ra và đóng vảy. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các nốt đậu sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm khuẩn mụn nước có thể để lại sẹo.
Ở người trưởng thành mới bị thủy đậu, bệnh nhân có thể cảm thấy bệnh nặng hơn và mất nhiều thời gian hơn để hồi phục. Người lớn cũng có nhiều khả năng bị biến chứng nhiều hơn so với các em nhỏ.
Cần đề phòng các biến chứng của bệnh thủy đậu
Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng trong bệnh thủy đậu là:
- Bội nhiễm tại các tổn thương da: Khi nốt đậu bị vỡ hoặc trầy xước do bệnh nhân ngứa gãi có thể gây viêm tấy, nhiễm khuẩn da gây viêm mủ da, chốc lở, thậm chí gây viêm cầu thận cấp...
- Viêm phổi thủy đậu: Biến chứng viêm phổi hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - 5 của bệnh (trong thời kỳ đậu mọc). Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng: biểu hiện sốt cao, thở nhanh, khó thở, tím tái, đau ngực, ho ra máu... dẫn tới suy hô hấp, phù phổi và nguy hiểm tính mạng.
- Tổn thương thần kinh trung ương: Trong trường hợp hiếm gặp, bệnh thủy đậu có thể dẫn đến biến chứng như viêm màng não, viêm não, thường gặp ở người lớn, tỷ lệ tử vong cao, chiếm 5 - 20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời sống thực vật trong suốt tháng ngày còn lại.
- Một biến chứng muộn thường gặp của thủy đậu là bệnh zona hay còn gọi là bệnh giời leo, là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh thủy đậu. Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như: đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt...
Đối tượng nào có nguy cơ biến chứng do thủy đậu?
Những đối tượng sau đây dễ mắc thủy đậu và khi mắc dễ bị biến chứng là: phụ nữ mang thai; những người có hệ miễn dịch yếu (chẳng hạn như những người bị bệnh bạch cầu cấp tính, mạn tính, bệnh nhân ung thư, luput ban đỏ, người có HIV); bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như corticoid; những người trong nhóm có nguy cơ tiếp xúc với siêu vi khuẩn Varicella zoster...
Bệnh thủy đậu với phụ nữ mang thai
Nếu thai phụ đã tiêm phòng hoặc đã từng mắc bệnh thủy đậu trước khi mang thai thì miễn dịch với bệnh này bởi trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Đối với thai phụ không tiêm phòng và mắc thủy đậu khi mang thai thì có thể bị sẩy thai và ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai. Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai dưới 20 tuần, sinh con ra sẽ có một tỷ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Các biểu hiện của hội chứng này có thể là: sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc...), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần... Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng tới thai.
Bệnh thủy đậu chu sinh: Nếu mẹ mắc thủy đậu từ 5 ngày trước đến 2 ngày sau khi sinh thì trẻ sơ sinh sẽ dễ bị nhiễm bệnh và thường bị nặng dẫn đến tử vong cao, với tỷ lệ lên đến 25 - 30% số trường hợp bị nhiễm. Nếu mẹ mắc thủy đậu trước sinh trên 1 tuần, diễn biến lành tính thì trẻ sẽ nhận được kháng thể IgG từ mẹ, khi sinh trẻ có kháng thể nên không nguy hiểm.
Nên chủ động phòng bệnh
Bệnh thủy đậu lây truyền rất nhanh. Bệnh nhân có thể truyền bệnh cho người khác vào 5 ngày trước và sau khi phát ban và không còn lây lan nữa khi các mụn nước đã khô vảy. Bệnh còn có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng giộp của người bệnh.
Mọi người đều có thể chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vaccin. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Vaccin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (trên 97%) và kéo dài trong suốt cuộc đời. Để phòng bệnh thủy đậu ảnh hưởng đến thai nhi, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ hoặc có ý định mang thai, nên chủ động tiêm phòng thủy đậu. Thời gian tiêm tốt nhất là 3 tháng trước khi có thai.
Nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Khi cần tiếp xúc, phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh và ổ dịch bệnh.
Bệnh thủy đậu có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nếu phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Khi thấy bản thân và gia đình có các dấu hiệu của bệnh thủy đậu, cần đi khám bệnh ngay và chủ động cách ly để tránh lây lan ra cộng đồng.
BS. Hạnh Lan - Suckhoedoisong.vn