Thiếu vi chất là nguyên nhân chính khiến trẻ biếng ăn (ảnh minh họa)
Đa số trẻ biếng ăn do một nguyên nhân mà các bậc cha mẹ thường khó phát hiện ra: đó là sự thiếu hụt lớn về lượng kẽm trong huyết thanh.
Trẻ biếng ăn là vấn đề nan giải khiến không ít cha mẹ đau đầu và mệt mỏi. Một số biểu hiện biếng ăn ở trẻ nhỏ gồm có: lơ là chuyện ăn uống, quấy nhiễu trong giờ ăn, kén ăn, ngậm thức ăn, thời gian mỗi bữa ăn kéo dài trên 30 phút....vv. Khi con bạn gặp phải một trong các dấu hiệu trên, điều đó cảnh báo rằng bé yêu của bạn đang mắc chứng biếng ăn và cần được khắc phục càng sớm càng tốt.
Một thực trạng đáng báo động hiện nay là tình trạng biếng ăn ở trẻ ngày một gia tăng, theo thống kê, trên toàn thế giới có đến 50% trẻ từ 1-6 tuổi mắc chứng biếng ăn, tỷ lệ này ở Việt Nam vào khoảng 20-45%. Các chuyên gia Nhi khoa cho biết nếu chứng biếng ăn ở trẻ kéo dài có thể gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sự phát triển trí não và thể chất của trẻ. Trẻ biếng ăn thường có chỉ số phát triển thấp hơn những trẻ bình thường về cả chiều cao, cân nặng và trí tuệ. Ngoài ra, trẻ biếng ăn còn bị suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh mãn tính và khả năng viêm nhiễm đường hô hấp cao. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị rối loạn tăng trưởng, có nguy cơ thua kém 6%-22% chỉ số phát triển cơ thể BMI (Body Mass Index) so với trẻ ăn uống bình thường. Như vậy, chứng biếng ăn ở trẻ nếu kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất và trí tuệ.
Nguyên nhân gây chứng biếng ăn ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thờ ơ với việc ăn uống như: trẻ bị ho, viêm họng gây nên hiện tượng nuốt đau, trẻ khó ăn; trẻ bị trào ngược thực quản dạ dày, thường xuyên bị ói dẫn đến việc sợ ăn; trẻ quá hiếu động, mải chơi mà quên ăn....vv. Các nguyên nhân này thường dễ dàng được phát hiện và khắc phục. Tuy nhiên, đa số trẻ biếng ăn do một nguyên nhân khác mà các bậc cha mẹ thường khó phát hiện ra đó là sự thiếu hụt lớn về lượng kẽm trong huyết thanh. Sự thiếu hụt các nguyên tố vi lượng này chiếm đến 50% nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ.
Thiếu vi chất là nguyên nhân chính khiến trẻ biếng ăn
Thiếu kẽm thường khiến trẻ bị rối loạn vị giác, đồng thời làm suy thoái quá trình phát triển và tăng trưởng bình thường ở trẻ, những trẻ thiếu kẽm thường bị tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành, sụt cân, thiếu máu, chậm lành vết thương và kém minh mẫn.
Nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu hụt kẽm có nhiều trong đó nguyên nhân chủ yếu là do khẩu phần và chế độ ăn của trẻ chưa thực sự phong phú. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho biết: “Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày. Trẻ thường bị thiếu kẽm do biếng ăn, ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn không phong phú, hay do các bà mẹ chế biến thức ăn không hợp lý cũng làm cho hàm lượng kẽm trong thức ăn bị mất đi, hoặc trẻ bị tiêu chảy cũng dẫn đến hiện tượng thải trừ kẽm”.
Một số phương pháp bổ sung kẽm cho con
Vậy, để bổ sung kẽm cho con, các mẹ nên chú ý đến phương pháp chế biến cũng như khẩu phần ăn của trẻ. Các thức ăn chứa hàm lượng kẽm cao đó là: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng…). Đối với trẻ dưới hai tuổi, các mẹ nên tích cực cho con bú vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.
Nguồn: Eva,vn