Trong những ngày tết thói quen sử dụng thực phẩm dự trữ cho nhiều ngày (dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn, ôi thiu…), thực phẩm chế biến sẵn (nguy cơ lạm dụng hóa chất bảo quản, đặc biệt việc sử dụng hóa chất độc hại và bị cấm sử dụng như fomanđehit, hàn the, sudan, các hóa chất tạo màu, mùi và vị …)… và thói quen ăn uống của cả gia đình thường bị đảo lộn, chế độ ăn nhiều thức ăn giàu đạm, đường, chất béo… ít chất xơ, vitamin, chất khoáng… nên rất dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt trẻ em với hệ tiêu hóa còn non yếu, khả năng thích nghi kém, hơn nữa do người lớn bận rộn, nên các bé thường ăn không đúng bữa, có thể bỏ bữa, các bé dễ lạm dụng các loại thức ăn ưa thích (bánh, kẹo, nước ngọt…), có thể ăn quá nhiều và thường không uống đủ nước nên thường mắc chứng rối loạn tiêu hóa nặng hơn (có thể gây nguy hiểm đến tính mạng). Biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh..
Một số triệu chứng thường gặp ở trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy... là những biểu hiện cấp tính thường gặp ở bé bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, có thể gặp một số triệu chứng khác như trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón, phân sống, biếng ăn… nếu không được xử trí kịp thời sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể là do trẻ ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, thức ăn khó tiêu hóa, khẩu phần ăn nhiều thịt, nhiều đồ ăn sẵn, nhiều bánh kẹo, nhiều nước ngọt…ít hoa quả, rau xanh, thiếu nước…ăn quá nhiều hoặc quá ít, ăn không đúng bữa, ăn khi quá đói …
Ở đây, chúng ta chỉ nói đến tình trạng rối loạn tiêu hóa không phải do tổn thương thật sự các cơ quan có chức năng tiêu hóa.
- Đau bụng: Đau bụng thường xảy ra sau bữa ăn, trẻ có thể có cơn đau quặn bụng (triệu chứng cấp tính do ngộ độc thức ăn), có thể đau không liên tục hoặc đau âm ỉ (vị trí đau thường ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn) có thể do trẻ ăn quá nhiều, ăn không đúng bữa (khi qua đói), hoặc ăn những thức ăn khó tiêu hóa... Trẻ nhỏ chưa biết nói thường biểu hiện bằng quấy khóc, nếu là cơn đau quặn bụng trẻ khóc thét, vật vã, không chịu bú.
- Buồn nôn và nôn: Trẻ có cảm giác buồn nôn hoặc nôn khi đang ăn hoặc sau khi ăn một thời gian ngắn. Chất nôn thường là thức ăn còn nguyên hoặc thức ăn chưa tiêu hóa hết.
- Tiêu chảy: Tiêu chảy là khi trẻ đi ngoài phân lỏng, tóe nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Tiêu chảy cấp là tiêu chảy < 14 ngày, thường hết sau 5–7 ngày. Một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và tử vong.
- Phân sống: Là tình trạng đi ngoài phân lổn nhổn, lúc lỏng lúc đặc và có thể còn thức ăn chưa được tiêu hóa.
- Táo bón: Là tình trạng đi ngoài phân cứng, phân dê, hòn hoặc phân quá to, khoảng cách giữa hai lần cách xa nhau tùy từng lứa tuổi (trẻ sơ sinh <2 lần/ngày, trẻ bú mẹ <3 lần/tuần - >2 ngày/lần, trẻ lớn <2 lần/tuần - >3 ngày/lần), làm trẻ đi ngoài khó khăn, gây đau có thể gây chảy máu thậm chí có thể gây cảm giác sợ đi ngoài ở một số trẻ lớn.
- Chướng bụng: Bụng trẻ căng hơn bình thường, nhất là tại vùng thượng vị, khi gõ vào thành bụng nghe tiếng vang.
- Biếng ăn: Trẻ không hứng thú với thức ăn (quấy khóc khi ăn, quay mặt khi thấy thức ăn…) ăn không đủ khẩu phần, thời gian ăn một bữa thường kéo dài.
Cần làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Tâm lý ngại đến bệnh viện trong những ngày đầu năm và đặc biệt tình trạng lạm dụng thuốc tự điều trị khiến bệnh nặng thêm vá có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Nên tốt nhất khi có biểu hiện rối loạn tiêu hóa cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, nhất là khi trẻ có biểu hiện cấp tính : đau quặn bụng, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều kèm theo có thể sốt hoặc có biểu hiện bất thường khác…
Song song với việc điều trị cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đều chỉnh chế độ ăn cân đối phù hợp với lứa tuổi.
Cách chăm sóc và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa cho trẻ.
Để tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết, các bậc phụ huynh phải chú ý:
- Lựa chọn và bảo quản thực phẩm: Chỉ nên dự trữ thực phẩm vừa đủ 3 ngày tết, chỉ sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên rau xanh và quả chín. Nên ăn thức ăn khi còn nóng, nấu vừa đủ ăn, hạn chế ăn thức ăn còn thừa, không ăn thức ăn đã có biểu hiện kém chất lượng (ôi, thiu…).
- Đảm bảo vệ sinh: Đảm bảo trẻ và người chăm sóc được rửa tay sach trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, dụng cụ chế biến thức ăn và đồ dùng cho trẻ ăn phải đảm bảo vệ sinh không nhiễm khuẩn.
- Phân công người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc trẻ: (tốt nhất là mẹ của trẻ). Đảm bảo duy trì chế độ ăn cho trẻ gần như thường ngày (thức ăn đa dạng, chế biến đơn giản, hạn chế gia vị và phù hợp với khẩu vị của trẻ), đảm bảo cho trẻ ăn đúng bữa, không bỏ bữa (nhất là bữa sáng- sẽ khiến trẻ ăn nhiều những thức ăn không phù hợp), có thể bổ sung sữa nếu trẻ chưa kịp ăn bữa tiếp theo (không lạm dụng việc này), với trẻ nhỏ nên mang thức ăn của trẻ khi ra ngoài. Giám sát không để trẻ lạm dụng nước ngọt, bánh kẹo, thức ăn chế biến sẵn… Đảm bảo đủ nước cho trẻ, tăng cường các loại nước hoa quả tươi…
- Tăng cường và duy trì sữa mẹ: Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Nên tích cực cho bé bú mẹ (việc này giúp lượng sữa mẹ tăng nên), bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, cân đối, đúng bữa, không lạm dụng những loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn ngọt, nên uống đủ nước…
BS. Đặng Thu Hiền - Viện Dinh dưỡng