Bệnh thủy đậu hay còn gọi là trái rạ do virut Varicelle Zoster gây nên, có thể bị quanh năm nhưng thường gặp nhiều khi thời tiết thay đổi. Bệnh xảy ra phần lớn ở trẻ em, lây lan cao qua đường hô lấp. Bệnh thường lành tính ở trẻ em, nhưng khá nặng khi gặp ở người lớn với tỷ lệ tử vong 2 - 25/100.000.
Nhận biết bệnh thủy đậu bằng cách nào?
Virut thủy đậu lây qua hô hấp và qua dịch tiết từ nốt thủy đậu bị dập vỡ. Sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ 14 - 15 ngày sẽ có các triệu chứng chóng mặt, sốt nhẹ, đặc biệt là người nổi mụn, bắt đầu ở thân, rồi đến mặt, quanh miệng và da đầu. Kiểu sang thương bóng nước này là đơn độc, có dạng hình tròn như giọt nước trên nền da mịn hồng nhẹ, rất khác với những nốt phỏng trên da do các vi khuẩn và virut khác. Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, lười ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Sau khi nốt đậu mọc thì thường người bệnh giảm sốt và tổn thương bóng nước khô dần rồi tự bong vẩy vài ngày sau đó nhưng để lại sẹo mờ trên da sau vài tuần mới hết hẳn. Thông thường bệnh diễn biến kéo dài khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, bệnh thủy đậu có thể sẽ diễn biến phức tạp và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý đúng.
Khám bệnh nhi mắc thủy đậu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Chăm sóc đúng cách
Khi phát hiện mắc thủy đậu cần cách ly trẻ với những người khác chưa có miễn dịch. Tốt nhất là cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan. Tất cả đồ dùng cá nhân của trẻ như bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng,… phải dùng riêng. Rồi đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và điều trị.
Trong quá trình điều trị và chăm trẻ vẫn cần chú ý theo dõi kỹ tình trạng của trẻ. Đối với những nốt đỏ, gây ngứa, trẻ hay gãi làm trầy xước da tại điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây bội nhiễm da, thậm chí gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não… nguy hiểm đến tính mạng. Do đó cần giữ vệ sinh cho trẻ bằng cách: Dùng nước ấm và khăn mềm thấm nước lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm trợt các nốt thủy đậu. Sau đó dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo cho trẻ. Chú ý giữ vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, phòng trẻ nằm phải thoáng mát, không có gió lùa. Nhắc trẻ không gãi các nốt thủy đậu.
Về chế độ ăn, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, bún, miến, phở,… uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi trẻ bị thủy đậu, với các biểu hiện: sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi hồng ban sau đó nhanh chóng chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau hóa đục, xuất hiện ở thân mình, đầu mặt, tay chân, niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục,… Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và có chỉ định điều trị phù hợp. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ nhiệt hoặc đã hạ sốt nhưng đột nhiên sốt cao trở lại; các mụn thủy đậu bị vỡ gây trầy xước da, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Suckhoedoisong.vn