Thức ăn cho trẻ phải từ mềm đến cứng, từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều (nhất là trẻ dưới 3 tuổi). Chế biến phù hợp với đặc điểm sinh lý và khả năng tiêu hóa của trẻ (cơm mềm, dẻo, thức ăn chín mềm,…).
Cho trẻ ăn nhiều bữa để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng vì dạ dày của trẻ còn nhỏ. Phối hợp nhiều loại thức ăn để bữa ăn đủ chất và cân đối. Bữa ăn của trẻ là bữa ăn phối hợp gồm nhiều loại thực phẩm: gạo, thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ, dầu, mỡ, rau, củ, quả tươi…
Thường xuyên thay đổi thực phẩm và cách chế biến món ăn để trẻ ăn ngon miệng và ăn hết suất. Lương thực, thực phẩm thay thế cần phải đảm bảo tương đương.
Khi thay đổi món ăn phải tập cho trẻ thói quen dần, tránh thay đổi đột ngột và không cho trẻ ăn nhiều món lạ cùng một lúc vì sức đề kháng của trẻ còn yếu, sự thích nghi với thức ăn lạ chưa cao.
Hạn chế thức ăn nhiều đường. Mỗi ngày không cho trẻ ăn quá 10gam đường và tuyệt đối không ăn kẹo, bánh trước bữa ăn.
Cần chú ý tới vệ sinh thực phẩm và vệ sinh trong ăn uống để đề phòng tránh nhiễm khuẩn và bệnh đường ruột ở trẻ.
Cần cho trẻ uống đủ nước. Trẻ càng bé càng cần đủ nước. Nước uống của trẻ cần đun sôi kỹ. Mùa đông cho trẻ uống nước ấm, mùa hè uống nước mát.
Rèn luyện cho trẻ có thói quen tốt trong ăn uống: ăn đúng giờ, ăn nóng, hợp vệ sinh, sạch sẽ. Không la mắng và phạt trẻ trước và trong khi ăn. Không bắt ép trẻ ăn khi trẻ không muốn ăn.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng