Béo phì trẻ em là mối đe dọa lâu dài đến sức khỏe, tuổi thọ và làm gia tăng nguy cơ đối với các bệnh mạn tính. Béo phì ở trẻ em còn làm ngừng tăng trưởng sớm, dễ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý và học kém.
Khái niệm và nguyên nhân thừa cân béo phì
Béo phì là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân dinh dưỡng. Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một số vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Với những trẻ em từ 2 tuổi cho tới những người dưới 20 tuổi, nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) nằm trong khoảng cách phân vị từ 85 đến 95 là có nguy cơ béo phì. Và trẻ được coi là béo phì nếu BMI nằm trong vùng phân vị lớn hơn 95.
Sự gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì (TC-BP) ở trẻ em đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu ở các quốc gia đã và đang phát triển. Người ta quan tâm đến béo phì trẻ em vì đó là mối đe dọa lâu dài đến sức khỏe, tuổi thọ và làm gia tăng nguy cơ đối với các bệnh mạn tính. Béo phì ở trẻ em còn làm ngừng tăng trưởng sớm, dễ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý và học kém.
Trẻ bị TC-BP không chỉ do chế độ ăn uống thiếu khoa học mà còn do những yếu tố có liên quan (ít hoạt động thể lực, stress, ô nhiễm môi trường và cả những vấn đề xã hội...). Chế độ ăn vượt quá nhu cầu năng lượng, nhất là năng lượng từ chất béo hoặc chất đạm, chất bột đều có thể dẫn đến thừa cân béo phì vì khi vào cơ thể các chất này đều có thể chuyển hóa thành chất béo dự trữ. It hoạt động thể lực là yếu tố song hành gây thừa cân béo phì. Trẻ TC-BP thường dành thời gian cho hoạt động tĩnh tại như xem ti vi, đọc chuyện, chơi điện tử, ... mà ít luyện tập thể dục thể thao. Một số nghiên cứu cho thấy ở những trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, trẻ nhẹ cân hoặc cân nặng lúc sinh quá cao, ... lớn lên dễ bị TC-BP. Yếu tố di truyền chưa được chứng minh đầy đủ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy trong gia đình cha mẹ bị TC-BP thì con cái có nguy cơ bị thừa TC-BP cao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, thế giới có 43 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị TC-BP. Khoảng 80% trong số này ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ trẻ em TC-BP ở các nước phát triển chỉ chiếm rất ít. Năm 2010, tỷ lệ TC-BP ở trẻ em dưới năm tuổi trên toàn cầu là khoảng 6,7%, dự kiến tăng lên vào khoảng 9% vào năm 2020. Vào năm 1990, tỷ lệ trẻ em TC-BP trên thế giới là khoảng 4%. Sau 20 năm, Việt Nam đã cán mốc này, và con số này chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay có khoảng 17,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân. Trong số 155 triệu trẻ 6-17 tuổi bị thừa cân (chiếm khoảng 10%) có 30-45 triệu (2-3%) trẻ bị béo phì.
Theo Tổng Điều tra dinh dưỡng 2009-2010 tại 512 xã/phường của 432 huyện/quận của 64 tỉnh/thành (theo địa giới hành chính trước năm 2008), tỷ lệ TC-BP ở trẻ dưới 5 tuổi là 5,6%, trong đó tỷ lệ béo phì là 2,8%. Ở các vùng thành thị tỷ lệ TC-BP là 6,5%. Tỷ lệ này tại Đà Nẵng là gần 10%, TP HCM 9,6%. Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, nếu như năm 2000 tỷ lệ trẻ TC-BP tại Việt Nam chỉ là 0,62% thì 10 năm sau tỷ lệ này đã tăng lên gấp gần 10 lần, là 5,6% (tương đương khoảng 400.000 trẻ) và đang trên đà tăng nhanh hơn trước, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh,…
Nguy cơ về sức khỏe của thừa cân béo phì
Trẻ bị TC-BP sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ béo phì ở người lớn. Những người lớn bị béo phì nặng thường có tiền sử béo phì ở tuổi thiếu niên. Béo phì ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành.
Trẻ béo phì thường vụng về, chậm chạp, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập. Các nguy cơ do bệnh béo phì gây ra ở trẻ em tùy mức độ có thể dẫn tới những bất lợi ít nhiều nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tương lai của trẻ. Điều bất lợi đầu tiên thuộc về lĩnh vực tâm lý – xã hội. Trẻ quá béo sẽ chịu đựng những “cái nhìn” thiếu thiện cảm của mọi người, điều có thể đưa tới một sự khó chịu, khổ tâm sâu sắc. Khi đến tuổi trưởng thành, các vấn đề liên quan đến sự rối loạn lipid (mỡ) sẽ xuất hiện bên cạnh những triệu chứng khác như: tăng cholesterol, mỡ máu cao (hypercholestérolémie) hoặc một sự tiết dư thừa quá mức chất insulin có thể dẫn đến tiểu đường sau này.
Như vậy chứng béo phì ở trẻ em là một bệnh lý độc lập nhưng là nguồn gốc và yếu tố nguy cơ phát sinh bệnh tật cũng như các biến chứng nghiêm trọng ở tuổi trưởng thành, như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp (dẫn đến bệnh tai biến mạch máu não), tăng cholesterol (dẫn đến nhồi máu cơ tim), sỏi mật, cơ xương khớp, bệnh ung thư vú, tử cung, tiền liệt tuyến, rối loạn tuần hoàn não..., hô hấp, biến chứng chỉnh hình các chi dưới (complications orthpédiques)...,
Có nghiên cứu cho rằng TC-BP ở độ tuổi 14-19 có liên quan tới tăng tỷ lệ tử vong ở lứa tuổi sau 30. Chỉ số khối cơ thể (BMI) ở trẻ em và vị thành niên liên quan tới nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở tuổi trưởng thành. TC-BP cũng liên quan tới một số tình trạng thiếu dinh dưỡng, ví dụ thiếu vitamin D, thiếu sắt (nguy cơ cao gấp 2 lần trẻ bình thường).
Điều trị và dự phòng thừa cân béo phì
Nguyên tắc chính để điều trị TC-BP ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn kết hợp với hoạt động thể lực. Nhất thiết phải giảm cân một cách tuyệt đối, càng sớm càng tốt. Khi chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán. Nên hạn chế các loại bánh kẹo, đường, mật, sữa đặc có đường, sữa béo nhưng có thể uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt. Không để trẻ ăn quá no, quá đói, không được bỏ bữa, nên cho trẻ ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đồng thời, cần khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể lực, tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ, ..., hạn chế xem TV, chơi điện tử. Cần lưu ý, thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày và thời gian hoạt động thể lực của trẻ
Dự phòng TC-BP chủ yếu là các biện pháp dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực. Cần chăm sóc dinh dưỡng sớm cho trẻ từ trong bào thai bằng cách chăm sóc bà mẹ mang thai. Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý; Với trẻ lớn và vị thành niên nên ăn uống theo nhu cầu dinh dưỡng, khuyến khích trẻ ăn rau quả, hạn chế sử dụng thực phẩm giầu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống nhiều đường, có ga, tăng vận động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi (như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy, nhảy, bơi lội, ...), hạn chế xem TV, chơi điện tử hoặc đọc chuyện quá khuya. Ở mọi lứa tuổi, cần thường xuyên theo dõi tăng trưởng nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì, để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và hoạt động thể lực cho trẻ.
ThS.BS. Bùi Đại Thụ - Suckhoedoisong.vn