Bé Tin Tin biếng ăn tới đáng sợ. Mỗi lần cho bé ăn là chị Nga có cảm giác như vừa trải qua một cuộc chiến sinh tử.
Rất nhiều bà mẹ ăn không ngon ngủ không yên vì tật biếng ăn của con. Bao bài thuốc được thực hiện mà không thành công nên các bà mẹ rất bất ngờ với một vài mẹo đơn giản.
Cho con ăn là cả cuộc chiến
Trước đây, khi con đi học, chị Nga thường cằn nhằn với chị gái vì suốt ngày đầu tắt mặt tối với mỗi việc cho con ăn. Nhưng bây giờ khi sinh bé Tin Tin, chị Nga mới hiểu và thông cảm với nỗi khổ của người mẹ có con biếng ăn.
Bé Tin Tin biếng ăn tới đáng sợ. Mỗi lần cho bé ăn là chị Nga có cảm giác như vừa trải qua một cuộc chiến sinh tử. Bữa ăn của bé thường kéo dài 2 tiếng. Cứ thấy mẹ đưa thìa tới là bé ngậm chặt miệng rồi chạy trốn. Sau cuộc rượt đuổi, chị Nga phải dùng sức mạnh để banh miệng bé và đưa thức ăn vào. Toát mồ hôi mới đưa được thức ăn vào mồm con nhưng gian nan chưa dừng lại ở đó. Trước khi nuốt vào dạ dày, bé Tin Tin còn ngậm chán chê, ngậm tới mức đồ ăn chảy nước.
Mỗi ngày, 3 bữa ăn của Tin Tin là 3 cuộc rượt đuổi, chiến đấu ngoạn mục mà cứ nghĩ tới là chị Nga sởn gai ốc. Cả nhà sợ cho bé ăn tới mức nếu phải lựa chọn việc nặng nhọc và cho bé ăn, ai cũng nằng nặc đòi phương án 1.
Bé biếng ăn khiến cả nhà vất vả. Nhưng trên hết là lo lắng. Ông bà, bố mẹ đều sầu não, xót xa vì bé quá gầy còm. 20 tháng tuổi mà bé chỉ nặng chưa tới 10kg. Vì thể chất yếu ớt nên bé hay ốm vặt, quấy khóc.
Giống bé Tin Tin, bé Zin cũng thường xuyên “ăn rong”. Muốn bé ăn xong một bát cơm, chị Yến - mẹ bé phải rong ruổi cùng con từ đầu làng tới cuối xóm. Thành ra, thực đơn của bé như nào, cả xóm đều biết.
Chị Yến than thở: “Cháu đã 3 tuổi rồi mà suốt ngày chỉ ngậm cơm rồi phun phì phì. Chị gái cháu vừa ăn tham, vừa ăn nhanh, không hiểu sao cháu lại dở chứng thế. Gia đình tôi lo lắng lắm. Thuốc thang đủ đường mà không ăn thua. Nhìn cháu gầy còm, tôi không thể cầm lòng được. Lo lắng lắm”.
Chị Yến chia sẻ, chỉ vì con biếng ăn, gầy còm mà vợ chồng chị suốt ngày lục đục, cãi cọ. Chồng chị thường mắng chị đoảng, không yêu thương, chăm lo cho con, không tập trung thực hiện nghĩa vụ người mẹ.
Chỉ cần thay đổi “hình thức”
Sau nhiều bài thuốc bất thành, chị Yến bất ngờ nhận được một mẹo nhỏ từ người phụ nữ đi cùng xe bus. Rất đơn giản, tất cả những chiếc bát sứ được quẳng sang một bên, chị Yến vào siêu thị sắm những chiếc bát có các hình nhiều màu sắc sặc sỡ và hình thù ngỗ nghĩnh. Chế độ ăn của bé được giữ như cũ nhưng chị Yến thay đổi hình thức. Cứ tới bữa ăn của Zin, chị dành nhiều thời gian “trang trí” bát cơm cho con. Nhìn bát cơm của Zin, đứa bé nào đi qua cũng thèm thuồng.
Hiệu quả đến nhanh tới không ngờ. Cũng giống bao người xung quanh, bé Zin bị bát cơm thu hút. Chị Yến vừa cho con ăn, vừa đùa với con. Chị hành động như thể chị thèm ăn lắm và cướp cơm của con. Bé Zin lon ton chạy theo, há miệng đòi ăn cùng mẹ.
Dù vất vả hơn nhưng chị Yến vô cùng hài lòng với sự tiến bộ của Zin. Bé ăn nhiều hơn, nhanh hơn nên lớn lên trông thấy. Cả nhà mừng rơi nước mắt. Chỉ nhờ mẹo đơn giản mà anh chị đã thay đổi được tật biếng ăn của con.
Bé Tin Tin chưa đủ lớn để “chạy đua” với mẹ trong cuộc chiến ăn cơm nhưng bé cũng tỏ ra rất thích thú với “hình thức” ăn mới của mình. Bát, thìa đẹp hơn, ngộ nghĩnh hơn, thức ăn nhiều màu sắc hơn cũng thu hút được sự chú ý của bé.
Không chỉ thay đổi hình thức cho bữa ăn, chị Nga còn thay đổi không gian ăn của bé. Chị mua nhiều đĩa hoạt hình vui nhộn để mở khi cho bé ăn. Sau khi thử trên 10 đĩa, chị chọn ra 3 đĩa bé thích nhất. Vậy là, bé vừa ngồi xem ti vi, vừa há miệng như chim non chờ mồi. Tuy nhiên các mẹ không nên quá lạm dụng hình thức này.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh có con biếng ăn. Các mẹ chỉ nên cho bé ăn khi bé đã đói và ăn vào một giờ cố định. Bé nên được giảm bữa ăn chỉ còn khoảng 3 bữa chính 1 ngày. Các mẹ cũng nên đa dạng hóa đồ ăn cho bé khỏi chán miệng. Bên cạnh đó, ép bé ăn món ăn bé không thích không phải là việc được khuyến nghị.
Nguồn: Theo MaskOnline