Giúp trẻ ăn dặm đúng cách  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ

Sau giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ cần được ăn bổ sung để cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng. Nhưng ăn bổ sung như thế nào cho cân đối, hợp lý để trẻ được phát triển tốt cũng là vấn đề các bậc cha mẹ cần hết sức lưu tâm.

Khi nào cần cho trẻ ăn dặm?

Ăn bổ sung (ăn dặm) là cho trẻ ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Thời gian bắt đầu cần cho trẻ ăn dặm là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Theo truyền thống người Việt Nam và theo khuyến nghị ăn dặm cho trẻ là bắt đầu ăn dặm bằng bột gạo xay hoặc cháo xay nấu với thịt, trứng, rau.

Giai đoạn này trẻ cần ăn bổ sung vì nhu cầu năng lượng tăng. Từ 6 tháng tuổi năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó giai đoạn này trẻ cần khoảng gần 700kcal/ngày. Do vậy, thức ăn bổ sung là cần thiết để bù đắp khoảng cách thiếu hụt năng lượng này và lượng thức ăn trong các bữa ăn dặm cũng cần tăng lên khi trẻ lớn lên (tăng về số lượng và đậm độ đặc dần lên), nếu không đảm bảo đủ bữa ăn dặm trẻ sẽ còi cọc, phát triển chậm.

Giúp trẻ ăn dặm đúng cách 1

Một lý do nữa cần ăn dặm là do từ 6 tháng tuổi, lượng sắt dự trữ không còn, do vậy trẻ sẽ thiếu sắt nếu chỉ lấy từ nguồn sữa mẹ, do vậy thức ăn bổ sung sẽ là nguồn cung cấp đủ lượng sắt cần thiết để bù đắp khoảng thiếu hụt đó. Nếu cơ thể không có đủ lượng sắt trẻ sẽ bị thiếu máu. Khoảng thiếu hụt sắt lớn nhất vào lúc trẻ 6 -12 tháng và nguy cơ thiếu máu lớn nhất cũng ở nhóm tuổi này.

Trong một số trường hợp đặc biệt có thể cho trẻ ăn bổ sung từ giữa tháng thứ 4 khi trẻ không tăng cân một cách bình thường mặc dù trẻ vẫn được bú mẹ đầy đủ hoặc trẻ được bú mẹ thường xuyên nhưng vẫn tỏ ra đói ngay sau khi bú hoặc mẹ có bệnh  không cho con bú được.

Ăn dặm như thế nào?

Để phát triển tốt, trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần và ăn từ 2 bữa bột cháo/ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày khi gần 1 tuổi. Lưu ý là ngay từ khi tròn 6 tháng tuổi, trẻ cần ăn dặm và phải được ăn dặm đúng cách, đó là bột/cháo nấu với đủ 4 nhóm thực phẩm như sau:

Nhóm cung cấp bột đường: sử dụng gạo tẻ gạo tám mới, không nên trộn lẫn gạo nếp (gây đặc khó ăn) không nên trộn ý dĩ, hạt sen, đậu xanh dễ gây cảm giác chán khó ăn và chậm tiêu cho trẻ, với trẻ trên 1 tuổi nên đa dạng thực đơn ăn dặm để tránh làm trẻ biếng ăn do ăn cháo quá lâu: nên chế biến súp khoai tây thịt bò xay, bún, phở, bánh đa,... để trẻ hào hứng với bữa ăn dặm.

Nhóm cung cấp chất đạm: thịt nạc (lợn, gà), lòng đỏ trứng gà: là những thực phẩm giàu đạm dễ tiêu khuyến nghị dùng cho trẻ khi mới bắt đầu tập ăn dặm, sau đó cho trẻ ăn thịt bò, cá, tôm, cua (khi sang tháng tuổi thứ 7), trên 1 tuổi nên cho trẻ ăn cả quả trứng gà (cả lòng đỏ và lòng trắng). Với trẻ nhỏ không có vấn đề về cholesterol máu cao nên cho trẻ ăn trứng gà hằng ngày nếu trẻ thích ăn để tận dụng một nguồn cung cấp đạm động vật ngon bổ rẻ.

Nhóm cung cấp chất béo: trẻ cần ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ lợn...), với tỷ lệ tốt nhất là 1:1 nên xen kẽ các bữa dầu và mỡ. Các loại dầu thực vật nên ăn đa dạng (đậu nành, mè, ôliu, dầu cá hồi...) riêng dầu gấc không nên ăn hàng ngày mà chỉ nên 1-2 lần/tuần để tránh vàng da do thừa tiền vitamin A.

Nhóm cung cấp chất xơ và vitamin: rau xanh và củ quả. Lưu ý đây là nhóm hầu như không cung cấp năng lượng nên không cho quá nhiều vào bữa bột cháo của trẻ gây thấp năng lượng khẩu phần khiến trẻ chậm lên cân: với trẻ bắt đầu ăn dặm nên cho 1 thìa rau, sau này tăng lên 2-3 thìa rau/1 bát bột cháo là đủ. Nếu trẻ táo bón có thể tăng cường thêm nhưng không nên quá nhiều. Ngược lại, với trẻ bị thừa cân béo phì rất nên bổ sung tăng cường nhóm này để hạn chế năng lượng.

Cách chọn thực phẩm bổ sung cho trẻ

Giàu năng lượng và giàu dinh dưỡng: đặc biệt là sắt, kẽm, canxi, vitamin A, C và folate (có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật, hải sản, sữa...).;

Sạch và an toàn: Không có tác nhân gây bệnh (không có vi khuẩn gây bệnh hoặc các sinh vật có hại khác); Không có các hóa chất có hại hoặc chất độc; Không có xương hoặc các miếng cứng có thể gây tổn thương cho trẻ.

Không quá nóng, cay, mặn, dễ ăn với trẻ, trẻ thích ăn.

Dễ chuẩn bị từ các thực phẩm của gia đình, địa phương, giá hợp lý, dễ nấu.

Bên cạnh đó, lưu ý về vệ sinh thực phẩm vì tỷ lệ rối loạn tiêu hóa cao nhất ở lứa tuổi ăn dặm: cần chú ý rửa và giữ sạch dụng cụ làm bếp và bát đũa khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, cần cho trẻ ăn trong vòng hai giờ sau khi nấu.

Nên tránh dùng những bữa phụ có quá nhiều đường (làm hỏng răng) và có giá trị dinh dưỡng thấp (ví dụ: nước có gas, kẹo kem, kẹo que), dễ gây các bệnh rối loạn chuyển hóa sau này.

BS.TS. Phan Bích Nga (Khoa Khám tư vấn trẻ em - Viện Dinh dưỡng) - Suckhoedoisong.vn


Để đảm bảo cho trẻ ăn dặm ngon miệng và hấp thu tốt cần:

• Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu và chia thành các bữa nhỏ (với trẻ mới ăn dặm hoặc trẻ biếng ăn). Tránh ăn trong bữa chính của trẻ những thức ăn thô nguyên hạt khó tiêu thấp năng lượng như ngô, khoai môn, bột sắn…

• Ða dạng thực phẩm: thay đổi các loại thức ăn trong các bữa ăn hoặc các ngày, để ý chọn những loại thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn đủ bữa.

• Với trẻ ăn kém, chậm lên cân hay sau đợt ốm, cần chú trọng bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh bắt kịp đà phát triển, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm động vật: sữa mẹ, sữa công thức (trong trường hợp không được bú mẹ), trứng, thịt, cá…

• Ngoài ra, khi bắt đầu ăn dặm cần lưu ý cho trẻ được uống đủ nước đun sôi để nguội, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để cung cấp đủ vitamin và chất xơ để đảm bảo quá trình tiêu hóa trong cơ thể được thuận lợi.

Cập nhật: 05/06/2013
Lượt xem: 8251
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™