Viêm tai giữa tiết dịch được xem là nguyên nhân chính gây điếc ở trẻ em. Theo PGS.TS. Lâm Huyền Trân - Đại học Y Dược TP.HCM, những nghiên cứu gần đây đã chứng minh phát hiện sớm điếc bẩm sinh, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời và can thiệp sớm có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và nói chuyện gần như bình thường so với những đứa trẻ khác.
Viêm tai giữa là thủ phạm chính
PGS. Lâm Huyền Trân cho biết, bộ máy nghe ở con người là một hệ thống phức tạp truyền tải và xử lý âm thanh. Âm thanh từ môi trường được thu nhận ở tai ngoài qua ống tai đến màng nhĩ và tạo ra sự rung động của màng nhĩ. Sự rung động này tạo nên một năng lượng dẫn truyền qua chuỗi xương con đến cửa sổ bầu dục tác động lên lớp dịch bên trong ốc tai làm các tế bào lông bị rung động. Sự rung động của các tế bào lông sẽ tạo nên một xung động truyền đến vỏ não. Tại đây thông tin sẽ được hệ thống thần kinh tiếp nhận và xử lý để tạo ra đáp ứng của cơ thể phù hợp với âm thanh vừa nhận được. Bình thường ngưỡng nghe của con người là 0db và ở tần số 500 - 4.000Hz. Khả năng nghe sẽ bị ảnh hưởng nếu bất kỳ giai đoạn nào trong quy trình tiếp nhận và xử lý âm thanh này bị giới hạn hay gián đoạn.
Theo định nghĩa của Chương trình tầm soát thính lực trẻ sơ sinh toàn cầu (UNHS) do Hiệp hội Nghe trẻ em (JCIH) đưa ra: “Điếc là tình trạng ngưỡng nghe trung bình 30 - 40db hoặc hơn ở những tần số thuộc quan trọng trong giao tiếp bằng lời dẫn truyền hay tiếp nhận ở một hay cả hai bên tai”. Có nhiều cách để phân loại điếc khác nhau dựa trên bất thường cấu trúc giải phẫu, mức độ tổn thương hoặc giai đoạn điếc được phát hiện hay tiến triển. Giảm thính lực có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tai.
Trên thực tế, bác sĩ thường phân loại đơn giản như điếc nhẹ: dưới 39db, điếc vừa: từ 40 - 69db, điếc nặng: từ 70 - 94db, điếc sâu: trên 95db. Hay phân loại điếc dựa vào thời điểm xuất hiện: điếc bẩm sinh (trẻ mới sinh ra đã bị điếc), điếc tiến triển (thính lực giảm từ từ), điếc xuất hiện muộn (thính lực giảm sau một giai đoạn hoàn toàn bình thường) và điếc mắc phải (thường do tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ như: tiếng ồn, động cơ, thuốc…).
Viêm tai giữa tiết dịch được xem là nguyên nhân chính gây điếc trẻ em. Nhóm nguyên nhân này thường gây giảm thính lực khoảng 20 - 50db. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, thính lực sẽ trở về bình thường trong đa số các trường hợp. Cứ 1.000 trẻ sinh ra sẽ có 1 - 2 trẻ điếc tiếp nhận ở mức độ nặng hay rất nặng. Trẻ sinh ra phải nằm lại ở khoa săn sóc đặc biệt có nguy cơ điếc cao gấp 10 lần so với trẻ bình thường.
Viêm tai giữa tiết dịch được xem là nguyên nhân chính gây điếc trẻ em
Phát hiện sớm điếc bẩm sinh
Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh: phát hiện sớm điếc bẩm sinh đặc biệt trong 6 tháng đầu đời và can thiệp sớm có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và nói chuyện bình thường so với những đứa trẻ khác. Trước đây việc tầm soát nghe kém chỉ thực hiện trên những trẻ có nguy cơ cao, nhưng hiện nay tại các nước phát triển chương trình này được áp dụng thường quy cho các bé khi vừa chào đời, trước khi xuất viện hoặc 2 tuần sau sinh.
Ủy ban Chăm sóc sức nghe trẻ em JCIH sau đó đã đưa ra quy trình tầm soát và can thiệp sớm cho trẻ bị khiếm thính cụ thể và hoàn chỉnh hơn. Tất cả trẻ nên được tầm soát khiếm thính trước 1 tháng tuổi. Những trẻ có bất thường thính lực trong 2 lần kiểm tra đầu tiên cần được đánh giá tình trạng sức khỏe toàn diện và thính lực trước khi được 3 tháng tuổi. Khi chẩn đoán nghe kém đã xác định, trẻ cần được can thiệp sớm trước 6 tháng bằng cách đeo máy trợ thính, cấy điện ốc tai hay sử dụng các thiết bị hỗ trợ thích hợp.
Chương trình tầm soát trẻ khiếm thính trước đây đã được thực hiện với phương tiện sơ khai tạo tiếng ồn để quan sát phản ứng của trẻ. Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có thể tầm soát căn bệnh này cho trẻ bằng các phương tiện như khảo sát âm ốc tai, đo điện thính giác thân não hay đánh giá đáp ứng điện sinh lý với các kích thích thính giác nhanh…
Nguyễn Huyền - Suckhoedoisong.vn