Răng trẻ mọc lên trong khoảng từ 6 tháng đến 3 tuổi gọi là răng sữa. Gồm có 20 răng, 10 răng trên và 10 răng dưới.
Răng sữa mọc thế nào?
Bộ răng sữa mọc khoảng 6 tháng tuổi và hoàn tất lúc trẻ 24 – 30 tháng tuổi.
Răng sữa có vai trò quan trọng trong việc giúp cho trẻ có sức khỏe tốt đảm bảo sự phát triển thể chất và phát triển hệ thống sọ mặt.
Nếu răng sữa không được chăm sóc tốt sẽ rất dễ bị sâu, do buồng tủy rộng nên cũng dễ tiến triển đến tủy, làm trẻ khó chịu và không ăn uống tốt dẫn đến suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất của trẻ. Nếu răng sữa bị thối tủy sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn chóp răng mà mầm răng vĩnh viễn nằm ngay bên dưới răng sữa dễ bị tổn thương.
Nên tập cho trẻ làm quen với việc đánh răng ngay khi trẻ mọc răng.
Trong trường hợp phải nhổ sớm răng sữa do không thể điều trị sẽ ảnh hưởng đến mọc răng vĩnh viễn: răng vĩnh viễn chậm mọc, thiếu chỗ mọc răng vĩnh viễn làm cho bộ răng vĩnh viễn sau này bị lệch lạc, không kích thích sự phát triển của hệ thống sọ mặt làm thiếu chỗ mọc răng vĩnh viễn cũng như hàm của trẻ sẽ bị nhỏ…
Chăm sóc răng sữa ra sao?
Dùng gạc quấn chung quanh ngón tay trỏ thấm nước muối pha loãng (mặn bằng nước canh) lau sạch răng cho trẻ ngay sau khi ăn hoặc bú sữa. Khi trẻ ăn dặm cố gắng không để trẻ ngậm đồ ăn quá lâu. Nên tập cho trẻ làm quen với bàn chải càng sớm càng tốt để trẻ có thói quen sử dụng bàn chải. Cha mẹ phải là người kiểm tra và giám sát việc chải răng cho trẻ, không để trẻ tự làm sạch răng. Khám răng định kỳ 3 – 6 tháng/ lần, không nên để đến khi trẻ bị đau răng mới cho trẻ đi khám răng (làm trẻ sợ và gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ).
Làm gì khi trẻ bị chấn thương răng ?
Chấn thương răng là một tình trạng cấp cứu rất hay gặp ở khoa răng trẻ em, các phòng khám răng hàm mặt và bệnh viện. Chấn thương răng có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn thân cũng như tại chỗ cho hàm răng vĩnh viễn.
Trẻ bị vẩu xương hàm cũng có nguy cơ bị chấn thương răng cao hơn. Trẻ bị động kinh, bị ngược đãi cũng là những trẻ thường xuyên bị chấn thương răng.
Xử trí khi trẻ bị chấn thương răng sữa
Gia đình cần cung cấp cho thầy thuốc biết tình huống, thời gian xảy ra tai nạn, tuổi bệnh nhân… Các mảnh răng bị vỡ, răng rơi ra ngoài, đờm dãi có thể là các dị vật ảnh hưởng đến hô hấp, do vậy cần phải được chú ý và làm sạch. Xquang là thăm khám hỗ trợ cần thiết, cho phép xác định các đường gãy, gãy xương ổ răng phối hợp, tương quan tuỷ/đường gãy, tương quan răng sữa/mầm răng vĩnh viễn, mức độ đóng chóp, thay đổi các góc…
Xử trí chấn thương răng sau khi đã xử trí các loại chấn thương phối hợp khác làm ảnh hưởng đến tính mạng hoặc các cơ quan, bộ phận khác có chức năng quan trọng hơn. Cần chú ý tiêm phòng uốn ván cho trẻ.
Xử trí lún răng sữa: Trường hợp chân răng trượt về phía tiền đình, xa mầm răng vĩnh viễn, bảo tồn răng, theo dõi 1-6 tháng, nếu không mọc được, phải nhổ răng. Trường hợp chân răng trượt về phía khẩu cái, khoảng cách giữa chân răng và mầm răng vĩnh viễn hẹp, cần nhổ răng nhẹ nhàng, tránh sang chấn mầm răng bên dưới.
Xử trí lung lay răng sữa: cố định răng. Nếu răng lung lay quá nhiều hoặc sắp đến tuổi thay thì có thể nhổ bỏ. Theo dõi tình trạng tủy răng, điều trị tủy nếu cần thiết.
Những điều cha mẹ cần lưu ý
Hướng dẫn con cách đánh răng đúng: Với mặt ngoài răng, nghiêng bàn chải để lông bàn chải ép nhẹ lên lợi và răng, rồi rung nhẹ để lông bàn chải chui vào kẽ răng và di chuyển cho hết mặt ngoài của răng theo chiều lên và xuống. Với mặt trong răng, làm như mặt ngoài nhưng chú ý để bàn chải theo chiều thẳng đứng và cũng di chuyển lên xuống cho hết mặt trong răng. Với mặt nhai, lông bàn chải thẳng đứng trên mặt nhai, chải ngang từng đoạn ngắn.
Ở giai đoạn trẻ thay răng: Hãy luôn theo dõi sát sao quá trình thay răng ở trẻ và tránh cho trẻ ăn những loại kẹo gôm, hạn chế những đồ ăn ngọt, đồ ăn cứng khó nhai. Nếu răng mọc khiến trẻ đau đớn, cha mẹ nên cho trẻ ăn những đồ ăn mềm như cháo, súp hoặc nước hoa quả.
ThS. Trường Minh - Suckhoedoisong.vn