Nhiều người thường nghĩ rằng chiều cao phụ thuộc phần lớn vào yếu tố di truyền. Tuy nhiên trong thực tế và một số công trình nghiên cứu đã cho thấy chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, mạnh nhất là yếu tố dinh dưỡng (32%) trong đó trẻ em dưới 5 tuổi chiều cao được quyết định bởi dinh dưỡng là chủ yếu, sau đó là yếu tố di truyền (23%), thể dục thể thao (20%), giấc ngủ và môi trường, ánh nắng, tình hình bệnh tật...
Giai đoạn trong bào thai
Trong 9 tháng mang thai, người mẹ cần tăng khoảng 10-12kg để bé sơ sinh đạt được chiều cao 50cm và cân nặng khoảng 3kg lúc chào đời. Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh cao 49cm (thiếu 1cm) khi trưởng thành có thể thấp đi 3-5cm chiều cao.
Giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi
Năm thứ nhất tăng khoảng 25cm. Hai năm kế tiếp mỗi năm tăng khoảng 10cm.
Lưu ý: trẻ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này cũng sẽ bị thấp lùn sau này.
Giai đoạn tiền vị thành niên (VTN) (tiền dậy thì) và VTN (dậy thì)
Ở tuổi tiền VTN: Trung bình mỗi năm tăng 5-6cm (thấp hơn phát triển chiều cao so với trẻ 4-6 tuổi) nhưng cân nặng tăng 2,5-3kg (cao hơn so với tuổi trước đó). Trẻ gái từ 10 tuổi, trẻ trai từ 12 tuổi trở đi có thể có 1-2 năm tăng vọt về chiều cao từ 8 -12cm/năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt và chơi thể thao thường xuyên. Vì vậy cần nhu cầu dinh dưỡng cao giai đoạn này nhằm tích luỹ cho giai đoạn VTN.
Tuổi VTN (dậy thì): cơ thể tăng tốc phát triển các kích thước của khối xương và một số cơ quan nội tạng. Sau tuổi VTN, sự tăng trưởng về chiều cao vẫn có thể duy trì đến năm 22-25 tuổi tuy chậm (khoảng 1 - 1,5cm mỗi năm).
TS.BS. Phạm Thúy Hòa (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng) - Suckhoedoisong.vn