Mẹ nghỉ đẻ dài, con được bú no sữa mẹ  
Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
( Alive & Thrive) Mẹ đi làm sớm, con nhịn sữa 

Kết quả nghiên cứu “Hiệu quả của độ dài thời gian nghỉ thai sản và thời điểm đi làm lại đến nuôi con bằng sữa mẹ” được xuất bản trong số tháng 6.2011 của Tạp chí Nhi khoa của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã phân tích một cách chi tiết ảnh hưởng của 3 yếu tố (tổng số thời gian nghỉ thai sản, độ dài thời gian nghỉ thai sản có lương, và thời gian đi làm lại) đến cho con bú sớm và thời gian cho con bú. Các tác giả kết luận rằng nếu các bà mẹ mới sinh con càng chậm đi làm trở lại, họ càng có nhiều khả năng cho con bú trong thời gian dài hơn.

Trong thời gian 6 tháng đầu đời của trẻ, các bà mẹ phải đưa ra những quyết định quan trọng về cách nuôi dưỡng trẻ và những quyết định này có tác động lâu dài đến cuộc đời trẻ sau này. Nếu được hưởng chế độ nghỉ thai sản dài, có lương, các bà mẹ có nhiều điều kiện để nuôi con bằng sữa mẹ  và cho trẻ bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu. Việc này không chỉ giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của trẻ, mà còn có tác động mạnh mẽ tới kinh tế xã hội của một đất nước và của cả các cá nhân trong xã hội.  

Nghiên cứu cho thấy, số phụ nữ đi làm lại trong thời gian từ 3 đến 6 tháng sau khi sinh có khả năng ngừng cho con bú trước khi trẻ được 6 tháng cao gấp 3 lần so với những phụ nữ không phải sớm đi làm trở lại. Điều này gây ra một tác động tiêu cực tới sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. 

Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có khoảng 20% trẻ dưới 6 tháng tuổi được  bú mẹ hoàn toàn, dẫn tới tình trạng cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì 1 em bị thấp còi thể trung bình hoặc nặng (thấp hơn so với chiều cao chuẩn theo tuổi) và  cứ 5 trẻ thì 1 em bị nhẹ cân thể trung bình hoặc nặng

Kéo dài thời gian nghỉ đẻ là đầu tư cho thế hệ tương lai

Những tác động của thời gian nghỉ thai sản không đủ dài cũng như chế độ dinh dưỡng nghèo nàn còn vượt ra khỏi phạm vi sức khỏe ở cấp độ cá nhân và gia đình. Những quốc gia đảm bảo được chính sách nghỉ thai sản tốt có hưởng lương thuộc vào hàng các nước có nền kinh tế phát triển  nhất. Các nghiên cứu đã cho thấy không có mối liên quan nào giữa các chính sách thân thiện với gia đình, ví dụ như chế độ nghỉ phép hưởng lương, với tỉ lệ thất nghiệp của một quốc gia; và rằng chính sách nghỉ thai sản tốt đã tạo ra một tác động tích cực tới mức độ tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động. Ngoài ra,ở  các quốc gia đã nới rộng thời gian nghỉ thai sản cũng không thấy có sự ảnh hưởng nào tới sự sụt giảm thu nhập của phụ nữ. Những yếu tố này đã góp phần tạo dựng một lực lượng lao động ổn định và gắn kết với doanh nghiệp hơn, từ đó giúp gia tăng nguồn thuế và thu nhập quốc gia.  

Ngay cả ở các nước có chính sách nghỉ thai sản hưởng lương rất hào phóng thì chi phí cho nghỉ thai sản so với tổng thu nhập quốc dân cũng rất khiêm tốn. Tại các nước thuộc Liên minh Châu âu (EU) và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế Phát triển (OECD), chi tiêu từ ngân sách chung cho thanh toán nghỉ thai sản ước tính chỉ chiếm 0.3% tổng sản phẩm nội địa.  

Ngoài việc cho phép nghỉ dài hơn để hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, một chính sách nghỉ thai sản tốt còn cần bao gồm cả các giải pháp can thiệp, hỗ trợ tại nơi làm việc để tiếp tục tạo điều kiện cho phụ nữ cho con bú khi họ quay lại với công việc. Điều quan trọng là cần dành ra một không gian riêng, cung cấp tủ lạnh để bảo quản sữa cũng như máy hút sữa để hỗ trợ các bà mẹ. Hơn nữa, các công sở cũng nên thực hiện nghiêm quy định về lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 1giờ trong tổng số 8 giờ làm việc mỗi ngày. Những biện pháp này sẽ tạo các điều kiện cần thiết cho các bà mẹ  tiếp tục duy trì cho con bú sau khi trở lại với công việc và đảm bảo sự phát triển tốt cho con trẻ.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào lực lượng lao động mạnh khỏe, được đào tạo và có năng suất lao động cao. Những quyết định chúng ta đưa ra hôm nay không chỉ nhằm hỗ trợ về mặt dinh dưỡng cho giai đoạn đầu đời của trẻ thông qua  chính sách nghỉ thai sản ưu việt mà còn  tạo ra  tác động to lớn tới sự phát triển thế hệ tương lai của Việt Nam. 

Trần Thị Mai Hương

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam

http://laodong.com.vn/tin-tuc/me-nghi-de-dai-con-d
Cập nhật: 06/09/2011
Lượt xem: 4555
Lên trên
Đánh giá dinh dưỡng
( Cho người trưởng thành )
Cân nặng
kg
Chiều cao
m
Kết quả B.M.I
Đánh giá
Mặt trời bé thơ - Viện Dinh dưỡng (NIN)
Địa chỉ: 48B, Tăng Bạt Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 3971 7090 - Fax : (84-4) 3971 7885 - Email: ninvietnam@viendinhduong.vn
© 2011 mattroibetho.vn. Số đăng ký 180/GP-TTĐT. Cấp ngày 10/10/2011 - Thiết kế website bởi BICWeb.vn™