BÀI PHÁT BIỂU KHAI MẠC
Tại Hội thảo Báo cáo Đánh giá 5 năm thi hành Nghị định số 21/2006/NĐ –CP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng
dành cho trẻ nhỏ
(Hà Nội, ngày 03/11/2011)
Kính thưa: Ông …………………..Đại diện UNICEF tại Việt Nam
Kính thưa các Quý vị đại biểu!
Được sự ủy quyền của Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, thay mặt cho Lãnh đạo Bộ Y tế, tôi gửi lời cảm ơn tới các Quý vị đại biểu đã quan tâm và tới tham dự Hội nghị ngày hôm nay.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu, 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Ngoài ra, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến ít nhất 2 năm tuổi sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, giúp cho trẻ tránh được các bệnh như suy dinh dưỡng, viêm phổi, tiêu chảy...
Để bảo vệ và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/2/2006 về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Nghị định này quy định về thông tin, giáo dục truyền thông lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ; quảng cáo, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm của thày thuốc, nhân viên y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Sau hơn năm năm triển khai thực hiện Nghị định số 21/2006/NĐ-CP, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, việc kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đem lại lợi nhuận rất lớn, nên các công ty, nhà sản xuất bằng nhiều hình thức khác nhau đã không ngừng quảng cáo về sự ưu việt của sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, khiến không ít các bà mẹ nghĩ rằng để con thông minh và phát triển tốt thì họ phải cho con ăn sữa ngoài bổ sung ngay từ những tháng đầu đời. Vì thế, thay cho sữa mẹ, họ cho con mình ăn các sản phẩm dinh dưỡng được chế xuất. Kết quả là ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất, tinh thần cũng như làm giảm sức đề kháng, gia tăng bệnh tật ở trẻ.
Các vi phạm Nghị định số 21/2006/NĐ-CP diễn ra ngày càng phổ biến: rất nhiều cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh có vi phạm về quảng cáo, ghi nhãn các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Không chỉ sai phạm về quy chế ghi nhãn mà nhiều công ty còn vi phạm khi cố tình quảng cáo sữa của họ có thành phần tương đương sữa mẹ, tốt như sữa mẹ. Và để các bà mẹ biết đến sản phẩm của mình, nhiều công ty ngoài quảng cáo trên truyền hình, tờ rơi còn khuyến mại tại các cửa hàng bán lẻ, cơ sở y tế, tiếp xúc với các bà mẹ ở trong và ngoài cơ sở y tế…
Sự ngộ nhận của các bà mẹ về các sản phẩm dinh dưỡng, một phần do ảnh hưởng của quảng cáo, một phần do không nhận được sự tư vấn kỹ càng của nhân viên y tế. Đa số nhân viên y tế chưa nắm được đúng và đầy đủ các nội dung của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP. Công tác đào tạo, tập huấn cho thầy thuốc và nhân viên y tế về kỹ năng và quy định nuôi con bằng sữa mẹ chưa thường xuyên, nhiều nơi các bà mẹ chưa biết cho con bú đúng cách nhưng cũng chưa nhận được sự tư vấn hay hướng dẫn của nhân viên y tế.
Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được sự hỗ trợ của UNICEF và Dự án A&T hôm nay, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thi hành Nghị định này. Tại Báo cáo Đánh giá, chúng tôi có đưa ra các đề xuất, khuyến nghị cho công tác thi hành pháp luật để bảo đảm cho trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và những tháng tiếp theo, những hạn chế trong quảng cáo, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; các đề xuất, khuyến nghị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thi hành Nghị định số 21/2006/NĐ-CP cũng như từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này. Chúng tôi rất mong sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Quý vị đại biểu. Ý kiến đóng góp của Quý vị sẽ giúp chúng tôi có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm cho mọi trẻ em Việt Nam khi sinh ra phải được khoẻ mạnh về thể lực và trí tuệ, được phát triển một cách toàn diện .
Thay mặt lãnh đạo Bộ, tôi chính thức tuyên bố khai mạc Hội nghị xin cảm ơn sự giúp đỡ cũng như có mặt ngày hôm nay của các Quý vị đại biểu đại diện cho các tổ chức UNICEF, A&T, lãnh đạo và thanh tra Sở Y tế các tỉnh/thành phố phía Nam. Cảm ơn sự có mặt của tất cả quý vị đại biểu, chúc sức khỏe tất cả quý vị đại biểu và chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp./.